Mái nhà chung của những số phận kém may mắn

05:03, 30/03/2021

Con người sinh ra được lành lặn đã là hạnh phúc lớn, chỉ thiếu đi bộ phận nào đó trên cơ thể mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc ấy...

Con người sinh ra được lành lặn đã là hạnh phúc lớn, chỉ thiếu đi bộ phận nào đó trên cơ thể mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc ấy. Sau 15 năm ra đời, Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt (NKT) trở thành điểm tựa, thành mái nhà chung của những số phận kém may mắn. Họ nương tựa vào nhau, chở che cho nhau, đỡ đần lẫn nhau, chia sẻ vui buồn, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống. 
 
Sản phẩm đan len của NKT Đà Lạt
Sản phẩm đan len của NKT Đà Lạt
 
Chị Nguyễn Thị Bích Nga (50 tuổi, Phường 10) sinh ra đã teo chân, khuyết tật cột sốt, gù lưng từng là một người tự ti, mặc cảm; từ khi tham gia hoạt động Hội, gặp được những người đồng cảnh đồng tật, chị không còn cô đơn mà trở thành một chi hội phó tích cực, tự tin, vui vẻ. Suốt 15 năm qua, Hội đã tập hợp 272 hội viên với nhiều dạng tật khác nhau, không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ buồn vui mà còn đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NKT. Đặc biệt, 5 năm gần đây, hoạt động Hội đã không ngừng lớn mạnh, đi vào quan tâm đến từng số phận, từng con người. Cụ thể, Hội đã liên hệ kết nối với các tổ chức, cá nhân xin việc cho hơn 20 hội viên có nhu cầu làm việc, giúp họ có mức lương ổn định tự trang trải cuộc sống. Kết nối cho 4 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia chương trình “Thần tài gõ cửa” của Đài Truyền hình Vĩnh Long, mỗi hộ được hỗ trợ từ 35-43 triệu đồng, tổng giá trị 149 triệu đồng, giúp NKT có vốn đầu tư tạo việc làm. 
 
Nhiều tấm gương NKT được sự hỗ trợ, giúp sức của Hội đã vươn lên như cơ sở đan len của 3 chị Huỳnh Vy Hạ Phương, Trần Thị Hòa, Trần Thị Thành. Chị Đỗ Thị Hạnh bị liệt 1 chân đã vươn lên làm chủ cơ sở may mặc đan móc len, chị còn dạy nghề tạo việc làm cho nhiều hội viên cùng làm, mức thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Ý Phương (43 tuổi) bị liệt 2 chân, chị đã mạnh dạn mở cửa hàng bán đồ gia dụng tạo việc làm cho 10 người với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng... Qua các lớp dạy nghề, hỗ trợ truyền nghề cho nhau, nhiều NKT đã có thu nhập ổn định. 
 
Hội đã tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho NKT chia sẻ bớt khó khăn trong cuộc sống. Từ đó giúp Hội có nguồn lực hoạt động hiệu quả, mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tham quan du lịch, tham gia các hoạt động giao lưu, hội thi trong tỉnh và toàn quốc như “Trái tim đồng cảm”, “Giai điệu trái tim”, “Liên hoan Dân ca và Nhạc cổ truyền”, “Tiếng hát người khuyết tật”. Hội đã tự tạo sân chơi bằng việc đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao, các hội thao dành cho NKT làm nên “món ăn” tinh thần cho hội viên. Trong 5 năm qua, Hội từ 1 chi hội, phát triển thành 5 chi hội, có văn phòng làm việc của Hội, tổ chức Hội không ngừng vững mạnh. Hội đã tổ chức 82 đêm văn nghệ “Chung một tấm lòng” quyên góp giúp đỡ 82 NKT mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền thu được là 1,9 tỷ đồng; toàn bộ số tiền được trao ngay tận tay NKT trên sân khấu sau khi đêm diễn kết thúc. 
 
NKT đã được quan tâm chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và không ngừng nhận được sự trợ giúp, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Hơn 100 NKT nặng được cấp bảo hiểm y tế, NKT đi khám bệnh và điều trị ở các bệnh viện đều được ưu tiên. Xác định công tác trợ giúp NKT là nhiệm vụ cấp thiết, Hội đã làm cầu nối vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm xây nhà tình thương cho 2 hộ NKT từ 70 - 200 triệu đồng/căn, sửa chữa 10 nhà cũ dột nát, hỗ trợ hơn 20.000 phần quà (300 ngàn đồng/phần), tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng trao cho người khuyết tật. Riêng Chủ tịch Hội Trần Mạnh Thu liên hệ thường xuyên với các tiểu thương ở Chợ Đà Lạt hỗ trợ thực phẩm tươi như thịt, cá, tôm, tự tay ông đưa đến cho từng hoàn cảnh nghèo khó giúp NKT cải thiện bữa ăn hàng ngày; tặng 500 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) giúp trẻ em khuyết tật và con NKT nghèo, học giỏi. Vận động các nhà hảo tâm tặng 30 chiếc xe đạp (trị giá 2 - 3 triệu đồng/chiếc) cho các cháu khuyết tật và con NKT; vận động được 300 chiếc xe lăn và 60 chiếc xe lắc, tổng trị giá 885 triệu đồng tặng cho NKT vận động có phương tiện đi lại làm ăn kiếm sống. Vận động các tổ chức, cá nhân trao 15 chiếc máy may, máy vắt sổ cho 15 NKT, trị giá 70 triệu đồng. Hội còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị khám sàng lọc, mổ mắt, mổ tim cho nhiều hội viên bị bệnh. Sự chung tay đồng cảm sẻ chia của cộng đồng xã hội đã giúp NKT vơi bớt khó khăn, tạo niềm tin, nghị lực để NKT vượt qua nghịch cảnh số phận, vươn lên hòa nhập. 
 
Ông Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Đà Lạt trải lòng: NKT là người nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người khổ. Ai sinh ra cũng muốn được khỏe mạnh, nhưng tạo hóa vốn không tròn trịa, số phận không chọn ai khác lại chọn họ. Những năm qua, các hoạt động của Hội đã tác động mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với NKT. Xã hội đã quan tâm tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu của bản thân, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động, cải thiện chất lượng cuộc sống cho NKT. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động xã hội hóa công tác chăm sóc NKT, để cộng đồng cùng dang rộng vòng tay nâng đỡ người thiệt thòi, kém may mắn, đó vừa là truyền thống tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt, đồng thời góp phần thực hiện an sinh xã hội.
 
QUỲNH UYỂN