(LĐ online) - Dáng dấp Buôn Go ngày xưa không còn hiện diện nơi những căn nhà sàn nan tre, vách nứa của người Châu Mạ...
(LĐ online) - Dáng dấp Buôn Go ngày xưa không còn hiện diện nơi những căn nhà sàn nan tre, vách nứa của người Châu Mạ. Buôn Go bây giờ khoác lên mình tấm áo mới của đô thị nhưng truyền thống trong mỗi nếp nhà vẫn in hằn trong từng chóe rượu cần, từng bộ đồ thổ cẩm, từng chiếc gùi nơi góc bếp… Nhưng hơn hết là thế hệ trẻ ở Buôn Go, những chàng trai, cô gái đang độ thanh niên biết gìn giữ, noi gương ông cha mà xây dựng bản làng.
Tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan |
Tiếp nối nghề truyền thống
“Từ ngày Tổ hợp tác (THT) hình thành, các chị em luôn tranh thủ giờ nghỉ để tập trung dệt, làm ra những bộ đồ với hoa văn đa dạng, đẹp mắt. Trước là để mình mặc trong những dịp truyền thống, phục vụ nhu cầu biểu diễn, sau là để thổ cẩm dân tộc mình đến gần hơn với mọi người” - chị Điểu Ka Móc chia sẻ.
Chị Điểu Ka Móc là người chịu trách nhiệm chính về thổ cẩm trong THT sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên). Bàn tay thoăn thoắt của Ka Móc cứ mềm mại, dứt khoát trong từng động tác, như có một sợi dây liên kết vô hình dâng trào trong lòng kể từ ngày được người cô của mình là bà Điểu Thị Lan cầm đôi bàn tay nhỏ đặt lên khung dệt. Mỗi lần ngồi bên khung dệt, chị lại nhớ về hình ảnh của bà, của cô mình ngày trước.
Ở bản Buôn Go đến nay vẫn có một làng nghề dệt thổ cẩm tồn tại từ lâu, nó cũng chính là động lực để giờ đây, trong huyết quản của người trẻ Châu Mạ đều khát khao giữ nghề, nghiêm túc và tự hào với văn hóa truyền thống.
“Vui chứ, vui lắm chứ. Ngoài đội cồng chiêng và làng nghề dệt thổ cẩm thì nay đã có thêm một THT của thanh niên. Nhìn lớp trẻ vẫn duy trì được sinh hoạt và nối tiếp nghề truyền thống, những người lớn tuổi cũng tích cực tham gia chỉ dạy. Người đi trước truyền cho người đi sau, đó cũng chính là truyền thống lâu đời của người Châu Mạ” - Bí thư Chi bộ bản Buôn Go Điểu K’Giá nói trong niềm tự hào.
Giữa năm 2018, sau khi thống nhất và được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Cát Tiên, THT sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản Buôn Go được thành lập với 10 thành viên. Chị Phạm Thị Hồng – Bí thư Đoàn thị trấn Cát Tiên cho biết, thành lập THT lúc bấy giờ là một quyết định đúng đắn để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống; đồng thời, tạo việc làm, thêm thu nhập cho các thành viên trong tổ. Và quan trọng hơn cả là bởi vì ở nơi này, có những con người với tinh thần của tuổi trẻ, dám mạnh dạn đương đầu với những khó khăn.
Đoàn các cấp ở Cát Tiên cũng đồng hành với THT trong việc quảng bá sản phẩm rượu cần truyền thống của người Châu Mạ |
“Ý tưởng đưa lên ngay lập tức được ủng hộ. Nghĩ lại hồi ấy cái gì cũng không có mà sao lại quyết tâm làm đến vậy. Không vốn, không nguyên vật liệu, không nhà trưng bày…. Các thành viên trong tổ cùng nhau góp vốn để chuẩn bị nguyên liệu đầu vào của sản xuất như: Mua bình, gạo, men, khung dệt… May mắn là có các em và tổ chức luôn đồng hành cùng với mình. Mỗi người ủng hộ một chút, từ vật chất cho đến tinh thần thì mới có được kết quả xứng đáng như ngày hôm nay” - chị Phạm Thị Thúy - Tổ trưởng THT cho hay.
Với mong muốn được nhiều người biết đến sản phẩm truyền thống của THT, Đoàn các cấp đã không ngừng tuyên truyền, quảng cáo rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng. Từ tháng 3/2019 đến nay, THT đã liên hệ với các khu du lịch để từng bước tiếp cận với khách du lịch.
Trong năm 2020, THT đã được hướng dẫn làm hồ sơ về sản phẩm OCOP và đã được huyện, tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cho sản phẩm rượu cần. Theo chị Thúy, đây là nguồn động viên lớn cho THT trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng lớn với tầm thế cao hơn. Hiện, điều mà THT mong muốn là có nhiều khách hàng và nơi tiêu thụ sản phẩm để có thể thường xuyên sản xuất, tạo việc làm cho đoàn viên.
“Qua hơn hai năm hoạt động, THT đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đoàn tập hợp đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây cũng là nơi các bạn đoàn viên, thanh niên có thể lưu giữ và phục hồi lại bản sắc dân tộc văn hóa bản địa, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình” - Bí thư đoàn thị trấn Cát Tiên Phạm Thị Hồng chia sẻ.
Chị Phạm Thị Thúy (mặc áo khoác) nhận giải thưởng Chi Đoàn mạnh tiêu biểu toàn quốc năm 2021 |
Chi Đoàn mạnh tiêu biểu toàn quốc
Bí thư Chi bộ Điểu K’Giá cũng tự hào nói rằng ở bất cứ công việc gì của bản đều có bóng dáng của đoàn viên, thanh niên, từ sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho đến trồng cây tạo cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đây là điều mà không phải đơn vị nào trên địa bàn cũng có được. Chính vì thế, ngoài yếu tố vật chất, bất cứ hoạt động nào của Chi Đoàn cũng đều nhận được sự ủng hộ của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản… để kịp thời động viên tinh thần cho Chi Đoàn.
Chi Đoàn Buôn Go hiện nay có 22 đoàn viên; trong đó, có 21 người Châu Mạ. Duy nhất có Bí thư Chi Đoàn là người Kinh, về làm dâu trong bản từ năm 2006. 15 năm nay, chị được kế thừa công thức làm rượu cần từ mẹ chồng, được học dệt thổ cẩm, bập bẹ học từng câu xin chào, tạm biệt bằng ngôn ngữ địa phương và dần trở thành “cánh chim đầu đàn” của tuổi trẻ Buôn Go.
Cũng từ đó, chị Thúy thường xuyên duy trì sinh hoạt hàng tháng, tham gia đầy đủ các hoạt động của đoàn thị trấn phát động. Với thuận lợi là đa phần các đoàn viên đang sinh sống và làm việc tại địa phương nên mỗi khi cần huy động sức trẻ vào công việc gì là sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu. Chi Đoàn duy trì được 1 đội văn nghệ tham gia mọi hoạt động và đang hướng đến thành lập 1 câu lạc bộ văn nghệ với các bài hát, điệu múa truyền thống của các dân tộc gốc Tây Nguyên, từ đó đa dạng thêm các hoạt động cho đoàn viên, thanh niên.
Hàng tháng, Ban Chấp hành Chi Đoàn Buôn Go lại đứng ra kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp 10 bao quần áo cũ, 10 bộ sách vở, 10 xe đạp cũ của Nhân dân trên địa bàn huyện Cát Tiên để tặng lại các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Buôn Go và các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện.
“Nhiều người hỏi bí quyết lôi kéo đoàn viên, thanh niên thì mình nói thật là chẳng có cách nào hay hơn sự quan tâm, ân cần hỏi han nhau từ công việc đến cuộc sống. Đôi khi chỉ là những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống thôi nhưng để các em cảm nhận sự ấm áp cũng như vui vẻ khi tham gia vào tổ chức Đoàn ở địa phương. Đó cũng là cơ hội để các bạn mở rộng quan hệ, giao tiếp với cộng đồng xã hội” - chị Phạm Thị Thúy chia sẻ.
Khi được xướng tên và đại diện Chi Đoàn Buôn Go lên nhận bằng khen dành cho chi Đoàn mạnh tiêu biểu toàn quốc năm 2021 do Trung ương Đoàn trao tặng, chị Thúy bảo mình không giấu nổi giọt nước mắt của sự xúc động và tự hào. Bởi để có thể duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của THT với quy mô Chi Đoàn là cả sự nỗ lực rất lớn của một tập thể, vượt qua những lúc khó khăn và những phút nản lòng.
HỒNG THẮM