(LĐ online) - Sáng 17/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin về tiến độ mua vắc xin phòng Covid-19.
(LĐ online) - Sáng 17/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin về tiến độ mua vắc xin phòng Covid-19.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống dịch Covid-19 tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai thực hiện mua và triển khai tiêm chủng cho người dân. Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng các bộ: Y tế, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao để tổ chức mua, nhập khẩu vắc xin (Quyết định số 1841/BYT-KHTC ngày 08/3/2021).
Bộ Y tế đang tổ chức mua và nhận vắc xin của nước ngoài từ các nguồn như: Chương trình COVAX Faclility do WHO và GAVI sáng lập, vắc xin của AstraZeneca mua qua Công ty VNVC và các nguồn vắc xin khác.
Đối với chương trình COVAX Faclility do WHO và GAVI sáng lập, Bộ Y tế đã nộp hồ sơ thành công và Chương trình cam kế sẽ cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng miễn phí, khoảng 30 triệu liều. Dự kiến, từ nay đến tháng 5/2021, COVAX Faclility sẽ cấp khoảng 4,1 triệu liều vắc xin đợt đầu tiên cho Việt Nam (vắc xin do AstraZenecca sản xuất), số lượng phân bổ tiếp theo sẽ được COVAX thông báo sau. Bộ Y tế đang tích cực, khẩn trương làm việc với COVAX để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc xin cho Việt Nam.
Đối với khoảng 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca mua qua Công ty VNVC, lô đầu tiên 117.600 liều được sản xuất bởi SK Bioscience (Hàn Quốc) đã về ngày 24/2. AstraZeneca sẽ cung cấp lịch giao hàng dự kiến cho Việt Nam trong tháng 3/2021. Tổ công tác đã họp để cho ý kiến về việc mua vắc xin của AstraZeneca trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Bộ Y tế đang làm rõ một số thông tin về giá vắc xin, điều kiện thanh toán, hiệu lực bảo vệ và an toàn vắc xin trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua. Trong thời gian qua, đã xảy ra một số phản ứng sau khi tiêm chủng vắc xin này, một số nước đã tạm dừng tiêm để làm rõ nguyên nhân. Ngày 15/3/2021, WHO công bố đang xem xét các báo cáo, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin này gây ra bất kỳ sự cố nào đối với sức khỏe. Bộ Y tế tiếp tục triển khai tiêm bảo đảm an toàn, chắc chắn, hiệu quả, đến nay đã tiêm cho 15.865 người.
Đối với các nguồn vắc xin khác, Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021.. Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục làm việc để mua vắc xin của Johnson&Johnson, Moderna, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga để mua vắc xin Sputnik-V...
Song song với nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2/2021. Vắc xin Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021. Nếu thành công, thì cuối năm 2021 đầu năm 2022, vắc xin do Việt Nam sản xuất sẽ sớm ra mắt để chủ động được vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.
Bộ Y tế sẽ tổng hợp các khả năng tiếp cận vắc xin trong năm 2021 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia khống chế đại dịch Covid-19 thành công nhất trong năm 2020, nhưng Việt Nam không chủ quan bởi biết rằng phía trước vẫn còn rất nhiều thử thách. Trước những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện các nội dung cụ thể. Về vấn đề vắc xin, tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ công tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; trước mắt khẩn trương thực hiện nhập khẩu vắc xin từ nước ngoài, từ nguồn viện trợ để ưu tiên sử dụng cho các đối tượng chống dịch và các địa bàn có nguy cơ cao.
Các bộ ngành liên quan hỗ trợ các thủ tục về ngoại giao, vận chuyển, cơ chế mua vắc xin, vật tư, dụng cụ tiêm chủng từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ, tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn khi làm việc, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
UBND các tỉnh, thành phố đánh giá các bài học kinh nghiệm thời gian chống dịch vừa qua, rà soát lại các hoạt động tại địa phương để xây dựng kế hoạch đáp ứng phù hợp với tình hình mới theo phương châm 4 tại chỗ để đáp ứng kịp thời, hiệu quả khi có trường hợp mắc mới ghi nhận tại địa phương.
AN NHIÊN