Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng nỗ lực đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống

06:03, 15/03/2021

Thực hiện chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường…

Thực hiện chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường…, những năm qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh (thuộc Sở KHCN) đã thực hiện nhiều hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, nỗ lực đưa KHCN vào cuộc sống.
 
Dự án trồng đẳng sâm ở Đạ Chais - Lạc Dương phát triển cây dược liệu quý, nâng cao đời sống của đồng bào K’Ho
Dự án trồng đẳng sâm ở Đạ Chais - Lạc Dương phát triển cây dược liệu quý, nâng cao đời sống của đồng bào K’Ho
 
Với đội ngũ 25 công chức, viên chức và người lao động; trong đó có 9 thạc sĩ và 16 đại học (kỹ sư, chuyên viên), mỗi năm Trung tâm Ứng dụng KHCN đã thực hiện hàng chục nhiệm vụ KHCN trên khắp các huyện, thành trong tỉnh. Chỉ riêng trong năm 2020, Trung tâm đã thực hiện 13 nhiệm vụ KHCN các cấp, trong đó 2 nhiệm vụ cấp nhà nước, 2 nhiệm vụ cấp cơ sở và 9 nhiệm vụ cấp huyện. Nhiệm vụ cấp nhà nước “Ứng dụng KHCN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” đã xây dựng được 18 mô hình, hỗ trợ 36 bò cái nền lai Sind, 2 bò đực giống lai Brahman, 18 máy băm cỏ, cung cấp giống cỏ, thức ăn tinh, chế phẩm sinh học tại 4 huyện có thế mạnh nuôi bò: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Cát Tiên. 130 nông dân được học tập về quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc nuôi dưỡng, vỗ béo bò, xử lý chất thải chăn nuôi; đã tạo ra 142 bê con lai. Nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ KHCN trong trồng một số loài trà hoa vàng phục vụ sản xuất trà túi lọc” đã xây dựng 3 mô hình trồng trà hoa vàng, xác định 75 cây đầu dòng, đang tiến hành nhân giống để tạo nên nguồn dược liệu quý. Trung tâm đã tiến hành 2 nhiệm vụ cấp cơ sở là “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống Invitro cây lan giả hạc Di Linh” góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lan rừng quý hiếm” và “Đánh giá tính phù hợp của giống bưởi da xanh tại 3 huyện phía Nam” nhằm phát triển vùng trồng trái cây và đa dạng nông sản ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
 
Bên cạnh đó, 9 nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao KHCN tại các huyện, thành trong tỉnh được thực hiện đã tập trung vào xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chăn nuôi, năng lượng mới... Cụ thể là nhiệm vụ “Sử dụng công thức khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh nuôi bò thịt cao sản và bò sữa tại Đức Trọng và Di Linh” với 5 hộ gia đình nuôi bò thịt, bò sữa được hỗ trợ vật tư, nguyên vật liệu để thực hiện mô hình; kết quả cho thấy trọng lượng thịt, chất lượng sữa của đàn bò có sử dụng khẩu phần ăn hỗn hợp được cải thiện rõ rệt so với phương pháp truyền thống. Nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Hà và Đơn Dương” đã thực hiện mỗi huyện 2.000 m2 (2 sào), năng suất trung bình đạt hơn 2 tấn/sào, trọng lượng quả từ 1,2 - 1,4 kg, độ đường đạt trên 13 độ brix; đã chuyển giao kỹ thuật cho 60 lượt nông dân, các gia đình tham gia mô hình đã hình thành nên tổ hợp tác sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. “Xây dựng mô hình vườn đầu dòng sản xuất giống cà phê vối ghép, bơ ghép tại Đồng Nai Thượng (Cát Tiên) đã xây dựng vườn cây cà phê vối 500 m2, vườn bơ 2.000 m2, đã giúp hộ dân là đồng bào Mạ ở đây xây dựng vườn ươm giống đầu dòng đảm bảo tiêu chuẩn, cung cấp cây giống cà phê, bơ tại chỗ cho người dân trong những năm tiếp theo.
 
Xây dựng mô hình sản xuất giống chuối Laba tại huyện Đam Rông, đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây giống chuối Laba ngoài vườn ươm cho 70 hộ dân. Hiện nay, tại 3 huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng đã có 200 ha canh tác chuối Laba; riêng Đam Rông 120 ha, trong đó 50 ha đã được chứng nhận VietGAP; chuối Laba được xuất sang Nhật hơn 300 ngàn tấn/năm. Nhiệm vụ ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng và cảnh báo giao thông tại 2 huyện Bảo Lâm và Đạ Tẻh đã tiến hành lắp đặt 15 hệ thống đèn cảnh báo giao thông, vừa tiết kiệm điện năng cho công trình chiếu sáng công cộng vừa hạn chế tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Nhiệm vụ “Nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư vàng” đã hỗ trợ 10 ngàn bịch phôi nấm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng nấm bào ngư cho các hộ dân, nhằm đa dạng hóa sản phẩm nấm ăn và phát triển nghề nuôi trồng nấm. 
 
Song song đó, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống cây trồng quý, nấm ăn, nấm dược liệu. Tiếp tục lưu giữ và cấy chuyền được nguồn gen của 72 giống cây trồng đặc trưng như hoa cúc, địa lan, chuối, hồng môn, phúc bồn tử...; 76 chủng loại nấm ăn, nấm dược liệu và vi sinh. Từ nguồn gen lưu giữ, hàng năm Trung tâm sản xuất cung cấp gần 500 ngàn cây giống các loại cho nông dân, doanh nghiệp, phục vụ chương trình nông nghiệp của tỉnh. Trong năm 2020, Trung tâm đã thu thập được 2 mẫu nấm là nấm linh chi Thượng hoàng và nấm hương Da hổ, 4 giống cây hoa dược liệu là cúc Calimero vàng, cúc Calimero đỏ đậm, dạ yến thảo, hoàng đằng; tiến hành phân tích ADN, xác định chuẩn danh pháp khoa học, so sánh trên ngân hàng gen quốc tế đạt 99%; kiểm tra virus 2 giống dạ yến thảo và cúc pha lê vàng nhằm tuyển chọn giống sạch bệnh, phục vụ sản xuất. 
 
Đặc biệt, từ nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu được sưu tầm, bảo tồn, Trung tâm đã nghiên cứu nhân giống, nuôi trồng thành công và phát triển nguồn gen thông qua công tác chuyển giao công nghệ cho các dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước như chuyển giao cho Công ty Ngọc Yến Minh (Đơn Dương) về nuôi trồng một số loại nấm ăn, nấm linh chi đỏ. Trong năm 2021 Trung tâm tiếp tục chuyển giao quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho Công ty Thảo dược Gold TN (Thái Nguyên), Công ty Phát triển và đầu tư công nghệ Việt (Hưng Yên), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận. Trung tâm còn tiến hành ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu KHCN sau nghiệm thu như: nhân rộng mô hình trồng cà phê chè đạt năng suất, chất lượng cao tại Xuân Trường (Đà Lạt); nhân rộng mô hình trồng và chế biến một số sản phẩm từ nấm linh chi đỏ; triển khai mô hình trồng cây đương quy tại Tà Nung (Đà Lạt)... ThS. Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm cho biết, với những nỗ lực ứng dụng KHCN sâu rộng vào các ngành, lĩnh vực đời sống, sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, Trung tâm đã nỗ lực phổ biến những kiến thức, kỹ năng trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đến với mọi người dân, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
QUỲNH UYỂN