(LĐ online) - Ngày 27/4, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2021 trong toàn ngành, tại điểm cầu chính cơ quan BHXH Việt Nam...
(LĐ online) - Ngày 27/4, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2021 trong toàn ngành, tại điểm cầu chính cơ quan BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 700 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chủ trì hội nghị.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị, tại điểm cầu cơ quan BHXH còn có: ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách công tác thông tin, truyền thông và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Tại điểm cầu BHXH các tỉnh, thành phố có: Đại diện lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố và các huyện; cùng gần 1.900 công chức, viên chức và người lao động thực hiện công tác thông tin, truyền thông trong toàn Ngành.
Các chuyên gia tham dự Hội nghị gồm: Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông; ông Nguyễn Thành Lợi - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; ông Đỗ Phan Ái - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
|
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc hội nghị |
Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, là phương tiện giúp đưa các chính sách an sinh xã hội thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh vai trò định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, bồi đắp niềm tin của người dân trong việc thực thi chính sách BHXH, BHYT, truyền thông cũng góp phần quan trọng giúp phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách. Chính vì vậy, truyền thông BHXH, BHYT luôn đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Trong năm 2020, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết quý I/2021, số người tham gia BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó, có gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020. Để đạt được những kết quả trên, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Năm 2020, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành, sự phối hợp tích cực của các ngành, các cấp ủy chính quyền địa phương, sự nỗ lực của BHXH các tỉnh, thành phố, cùng vai trò tham mưu chủ động, kịp thời của Trung tâm Truyền thông, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của ngành đã được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, kịp thời từ Trung ương đến địa phương. Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, nội dung, hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước được đổi mới phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền, từng giai đoạn phát triển của ngành và từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các thông tin được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm theo sát các vấn đề được dư luận và Nhân dân quan tâm tại từng thời kỳ và theo chủ đề, chủ điểm truyền thông của ngành đặt ra.
Ở Trung ương, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức trên 120 hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, tư vấn... để truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trực tiếp tới 24.000 lượt người tham dự; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện được gần 16.000 tin, bài, phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, chương trình... phản ánh về công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các hoạt động của Ngành.
Tại địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức trên 26.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại... tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN cho khoảng trên 1,4 triệu lượt người tham gia; tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương thực hiện trên 100.000 tin, bài, phóng sự, các cuộc phỏng vấn, các phim tài liệu, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, đối thoại tư vấn trực tiếp, show truyền hình về BHXH, BHYT.
Sang năm 2021, công tác truyền thông cũng đã được triển khai một cách tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông về ứng dụng VssID - BHXH số đã được cơ quan BHXH các cấp triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Theo đó, nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của truyền thông, tính đến ngày 25/4/2021, đã có gần 850 tin, bài, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm truyền thông về ứng dụng; qua đó đã có gần 4,5 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng, với trên 3,72 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 14,665% so với tổng chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch số 818/KH-BHXH của BHXH Việt Nam (mục tiêu đến ngày 31/12/2021 có 25.358.667 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID).
Kết quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho người dân trong việc thực thi chính sách, pháp luật, từ đó tích cực tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
|
Các điểm cầu tham dự hội nghị trực tuyến trên toàn quốc |
Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH
Với mong muốn xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp, thạo việc, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông cho các cán bộ làm công tác truyền thông trong toàn ngành BHXH Việt Nam.
Hội nghị tập huấn lần này có sự tham dự của các báo cáo viên có uy tín, là các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế chính sách BHXH, BHYT và các chuyên gia về lĩnh vực truyền thông nhằm trang bị, củng cố cho các đồng chí làm công tác truyền thông toàn ngành cả kiến thức chuyên môn về chính sách BHXH, BHYT, cũng như kiến thức về kỹ năng tuyên truyền, vận động; kỹ năng giao tiếp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí... Đây là những nội dung rất thiết thực, bổ ích đối với mỗi cán bộ, góp phần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT của ngành, nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, nhất là chỉ tiêu về phát triển người tham gia nhằm hoàn thiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp vào các nhóm đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (tăng cường các hình thức tuyên truyền tại cơ sở đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động)... Đồng thời, quyết liệt triển khai, vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu, sau hội nghị, đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp phải chủ động vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được phổ biến tại hội nghị để tiếp tục tìm tòi sâu hơn về nghiệp vụ, đưa ra các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác truyền thông phù hợp điều kiện thực tế tại các địa phương, đảm bảo cùng toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
PHƯƠNG TRÀ