Tập trung phòng, chống dịch, giữ tăng trưởng kinh tế

05:04, 20/04/2021

Dù ảnh hưởng không nhỏ do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng trong năm 2020, Lâm Đồng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra trong các phong trào thi đua của tỉnh.

Dù ảnh hưởng không nhỏ do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng trong năm 2020, Lâm Đồng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra trong các phong trào thi đua của tỉnh. 
 
Chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần Viên Sơn - Đức Trọng
Chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty Cổ phần Viên Sơn - Đức Trọng
 
Tăng trưởng trên 3,1%
 
Với tinh thần vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên.
 
Tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GRDP - tính theo giá so sánh 2010) tăng 3,15%, trong đó, các ngành nông lâm thủy sản tăng 4,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 1,7%; dịch vụ tăng 1,4%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 9.424 tỷ đồng, bằng 113,9% dự toán Trung ương và 101% dự toán HĐND tỉnh giao; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 71,2 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 708,5 triệu USD, bằng 88,6% kế hoạch đề ra.
 
Đặc biệt, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng trong năm 2020, số doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh vẫn tiếp tục tăng với 1.250 doanh nghiệp thành lập mới; tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 10.182 doanh nghiệp hoạt động, tăng 1.201 doanh nghiệp so với năm 2019. 
 
Về kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, toàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp hợp tác xã; 419 hợp tác xã với tổng số thành viên 62 nghìn người, tổng vốn hoạt động trên 670 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có 374 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo phương thức cùng tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, tìm doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; có 942 trang trại, trong đó có 225 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
 
Đến nay Lâm Đồng có 3 huyện gồm Đơn Dương, Đức Trọng và Đạ Tẻh đã được công nhận huyện nông thôn mới (NTM); 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 huyện Cát Tiên và Lâm Hà đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM đang lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định theo quy định. 
 
Toàn tỉnh đến nay có 104/111 xã (chiếm 93,7% tổng số xã) được công nhận xã NTM, trong đó có 3 xã được công nhận là xã NTM nâng cao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn được công nhận NTM của tỉnh cao hơn 1,63 lần mức bình quân chung của cả nước. Với thành tích đạt được này, Lâm Đồng vừa qua đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Trong năm, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; vận động người dân thực hiện khai báo y tế; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tập trung đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn… Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở được củng cố và phát triển, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu; đến nay toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh COVID-19.
 
Hầu hết các lĩnh vực văn hóa - xã hội trong năm qua đều có bước phát triển mới. Toàn tỉnh đến nay có 517/697 trường học trong hệ thống giáo dục chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 74,2%. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm đầu tư và bổ sung trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 1,35%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hằng năm giảm nhanh, số hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu ngày một nhiều hơn. 
 
Để xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh, tỉnh Lâm Đồng trong năm cũng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền các cấp, siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; xây dựng chính quyền các cấp “Liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”. Trong năm 2020, tỉnh đã tổ chức thành công đại hội đại biểu cấp cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Trong năm tỉnh cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề; thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; phong trào thi đua thực hiện mô hình “3 nhất”, “9 không” gắn với mô hình “5 chủ động”, thi đua thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”...
 
 
Duy trì các phong trào thi đua yêu nước 
 
Như đánh giá của tỉnh, phong trào thi đua yêu nước lâu nay luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, các ngành và đông đảo người dân trong tỉnh. 
 
Tuy nhiên, như tỉnh chỉ ra, phong trào thi đua ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị đến nay vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự tạo động lực, tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức phong trào thi đua chưa được thực hiện thường xuyên, vẫn chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm... 
 
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, cũng là năm đầu tiên thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng đưa ra phương châm “Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
 
Trong năm nay, Lâm Đồng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phát động và duy trì các phong trào thi đua yêu nước thường xuyên, thi đua theo chuyên đề, theo đợt và thi đua nước rút bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực; đặc biệt là phong trào thi đua cao điểm thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 
Trước mắt, ngành chức năng tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào thi đua trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng đó, Lâm Đồng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cùng cả nước, doanh nghiệp Lâm Đồng hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”...
 
Tỉnh cũng cho biết sẽ tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng, kịp thời biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền để nhân rộng điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng; đồng thời, đẩy mạnh việc đưa ứng dụng sáng kiến trong thi đua, khen thưởng áp dụng vào thực tiễn.
 
VIẾT TRỌNG