Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm chuyển hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên...
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm chuyển hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên. Tại Lâm Đồng, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị các cấp; sự đồng lòng từ toàn dân và xã hội. Và, thành quả từ xây dựng trường chuẩn chính là “chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục Lâm Đồng trong thời gian qua.
Kỳ 1: Vươn lên từ đặc điểm giáo dục miền núi
Là tỉnh miền núi thuộc khu vục Tây Nguyên, Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 27% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhưng kết thúc năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã đạt 80,67% số trường công lập đạt trường chuẩn quốc gia.
|
Trường THPT Trần Phú, Đà Lạt tiếp tục xét đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 chu kỳ II |
Đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết
Theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng có một huyện nghèo là Đam Rông; 77 xã, phường, thị trấn khu vực I; 62 xã, phường, thị trấn khu vực II và 8 xã khu vực III. Mới nhất là Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng có 10/10 huyện; 78/124 xã, thị trấn (71 xã, 7 thị trấn); 478/1.376 thôn là vùng DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp của tỉnh, cùng sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS còn khó khăn nhưng Lâm Đồng đã có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Cở sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, trình độ sản xuất từng bước phát triển. Cùng các lĩnh vực, công tác giáo dục được chú trọng… Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng chưa được bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,85%, tương đương 3.000 hộ đã thoát nghèo, giảm 1% so với năm 2018. Riêng hộ nghèo là đồng bào DTTS, năm 2016 toàn tỉnh có 14,71% (10.159 hộ) đến năm 2020 còn 3,58%.
Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 và 5 năm thực hiện giai đoạn 2 “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng tập trung nâng cao chất lượng, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và các phong trào thi đua, hoàn thành tốt các chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra; trong đó, có xây dựng trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Thông tin Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết về kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn 3 năm gần đây (2018, 2019, 2020) có tổng mức trên 4,9 ngàn tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản hơn 3,5 ngàn tỷ đồng và trang thiết bị dạy học trên 1,4 ngàn tỷ đồng.
Cũng theo Sở GDĐT, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh đã có 505/626 trường (chiếm 80,67%) mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia (không tính 2 trường Khiếm thính và Hoa Phong Lan). Trong đó, mầm non có 145/173 trường (83,8%); tiểu học 207/240 trường (86,2%); THCS 115/157 trường (73,2%) và THPT 38/56 trường (67,9%). Kết quả này rất cần khích lệ và phát huy, bởi đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 (đến năm 2020 đạt 75-80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia). Gần 4 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo UBND tỉnh đã ký Quyết định công nhận thêm một số trường đạt chuẩn quốc gia; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đơn cử trong nửa đầu tháng 4, công nhận Trường Tiểu học Tà Năng của huyện Đức Trọng đạt mức độ 1 và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản của huyện Lạc Dương đạt mức độ 2, ngày 15/4; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng đối với 2 Trường Tiểu học Lạc Xuân, Suối Thông của huyện Đơn Dương (ngày 5/4); 4 trường THCS đạt chuẩn quốc gia gồm Tân Nghĩa, Gia Hiệp, Đinh Trang Hòa 1 và Bảo Thuận của huyện Di Linh và 2 Trường Tiểu học và THCS Bế Văn Đàn, Lương Thế Vinh của huyện Bảo Lâm (ngày 1/4)…
Đó là thể hiện quan tâm của UBND tỉnh đối với công tác đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn ngay từ đầu nhiệm kỳ mới 2020-2025. Một trong những nội dung của 4 khâu đột phá trong nhiệm kỳ của Đảng bộ là “tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Thuận lợi và khó khăn chặng đường mới
Với nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, Lâm Đồng có những mặt thuận lợi và cả những khó khăn. Về thuận lợi, Đảng bộ, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đã cùng với ngành GDĐT xây dựng hệ thống trường học phù hợp ở các địa bàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Cùng đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân các địa phương có nhận thức đúng và ủng hộ chủ trương về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mặt thuận lợi nữa, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành GDĐT ổn định về số lượng, đảm bảo chất lượng, tích cực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị cơ bản đảm bảo các yêu cầu thiết yếu để dạy và học; chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo ngày càng nâng lên. Đối với công tác xã hội hóa giáo dục, những năm gần đây, địa phương Lâm Đồng đã phát huy và triển khai bằng những hoạt động cụ thể như huy động sự đóng góp, hỗ trợ của Nhân dân và xã hội... Các chính sách xã hội như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ giáo dục vùng DTTS... đã góp phần giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện đến trường…
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Lâm Đồng là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Bình quân diện tích trên mỗi học sinh, các phòng chức năng, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học mới chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học cơ bản. Đối với các trường thuộc khu vực trung tâm thành phố, thị trấn có qui mô học sinh đông nhưng diện tích từng lớp học nhỏ chưa đáp ứng tiêu chí của Bộ GDĐT. Cũng do tổng diện tích đất trường học chưa đáp ứng yêu cầu nên tình trạng sĩ số học sinh/mỗi lớp học có những trường, những lớp đang vượt chuẩn quy định. Thực tế cũng cho thấy, số phần trăm các trường chưa đạt chuẩn quốc gia hiện trên địa bàn tỉnh đa số còn không ít khó khăn. Vì vậy việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia càng không thuận lợi khi yêu cầu từ bộ tiêu chí được nâng lên. Cần có những giải pháp và bài học kinh nghiệm nào, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi ở bài báo kỳ sau.
MINH ĐẠO