Nói "sự nghiệp trồng người" có 3 trụ cột chính là nhà trường, gia đình và xã hội, thì công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia (CQG) càng không thể khác.
[links()]
Kỳ 2: Giải pháp và kinh nghiệm
Nói “sự nghiệp trồng người” có 3 trụ cột chính là nhà trường, gia đình và xã hội, thì công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia (CQG) càng không thể khác.
|
Trường Tiểu học Quảng Lập, huyện Đơn Dương là một trong 3 trường ở huyện đạt CQG mức độ 2 năm 2018 |
Đồng bộ nhiều ngành nhiều cấp
Trước hết, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng trường học đạt CQG. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua, ngành tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai công tác này thông qua nhiều hình thức. Xây dựng trường đạt chuẩn còn cần tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, học sinh (HS) các trường học, từ ý nghĩa đến cả nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường học, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Đó còn là nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, GV, nhân viên, HS, của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, của gia đình và cộng đồng trong việc phối hợp thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, việc ngành giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện và các trường học tăng cường vai trò tham mưu với cấp ủy và chính quyền rất quan trọng. Từ lập kế hoạch xây dựng đến đầu tư cơ sở vật chất trường học. Đây là cơ sở sát thực tiễn để UBND tỉnh và cấp huyện tập trung chỉ đạo các ngành, các tổ chức, đoàn thể liên quan phối hợp. Mục tiêu hướng đến là đảm bảo nguồn lực xây dựng, củng cố, phát triển về đội ngũ, về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện để xây dựng trường học đạt CQG. Mọi khâu được thiết kế theo lộ trình cụ thể, phát huy thuận lợi, tìm giải pháp khắc phục khó khăn để chung tay xây dựng.
Xây dựng trường chuẩn thường còn trở ngại là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Đồng bộ từ trong ra ngoài, điều tra thực trạng trường học thuộc ngành giáo dục, phân bổ kinh phí tập trung, trọng điểm… theo hướng đạt CQG thuộc các cấp thẩm quyền. Sự chung tay từ xã hội hóa vô cùng đặc biệt. Ngoài cấp ủy, chính quyền còn là Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp…, đây là những trợ lực hết sức quan trọng và mang tính lan tỏa cả về huy động nguồn lực cả về ý nghĩa xã hội. Bài học kinh nghiệm này chúng tôi được cô giáo Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lập, Đơn Dương chia sẻ sâu sắc. Đây là trường đầu tiên của huyện nông thôn mới Đơn Dương đạt CQG mức độ 1 vào năm 2001 và là một trong 3 trường ở huyện đạt CQG mức độ 2 vào tháng 12/2018.
Vai trò nòng cốt của ngành giáo dục
Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GDĐT Lâm Đồng, ông Nguyễn Vĩnh Hiến cho biết: Các phòng chuyên môn của Sở GDĐT tham mưu lãnh đạo Sở trong việc chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, đôn đốc các phòng GDĐT, các trường trực thuộc. Từ đó, kịp thời giúp lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các phòng và trường trực thuộc trong việc xây dựng, củng cố và duy trì kết quả của trường đạt CQG; tiếp nhận hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh xem xét công nhận trường đạt CQG. Tinh thần này cũng được triển khai ở các phòng GDĐT theo phạm vi địa bàn.
Nhiệm vụ quan trọng là không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học, kích thích sự năng động, sáng tạo của GV trong giảng dạy. Ngành xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, kết quả học tập của HS, góp phần nâng cao tỷ lệ duy trì sĩ số. Biện pháp củng cố chất lượng giáo dục các cấp học (mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1, bậc tiểu học, các lớp đầu cấp THCS, THPT) thực hiện suốt năm học. Cùng đó, tập trung làm chuyển biến việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông; triển khai biện pháp củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Để hiệu quả đích thực, kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng rất cần coi trọng. Kiện toàn và nâng cao năng lực đối với công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở các cấp; tiếp tục triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục các trường học. Với đặc thù tỉnh có nhiều HS dân tộc thiểu số vì vậy, nhiệm vụ chất lượng giáo dục dân tộc luôn được ngành Giáo dục Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều biện pháp: tăng cường khả năng tiếng Việt cho HS mầm non, tiểu học; tăng quy mô số trường, số lớp học 2 buổi/ngày; tổ chức phụ đạo HS yếu kém; bồi dưỡng HS giỏi, kiểm tra đánh giá xếp loại khách quan, chính xác kết quả rèn luyện học tập của HS; tuyên dương, khen thưởng HS giỏi, HS vượt khó vươn lên trong học tập.
Đó còn là tiếp tục đầu tư và tăng cường việc quản lý, sử dụng trang thiết bị dạy học, ưu tiên cho ngành học mầm non và cấp THCS. Phát huy công năng và hiệu quả của phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị, các phòng chức năng khác để hỗ trợ giảng dạy. Rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học ở từng cấp học. Đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, giáo dục trật tự an toàn giao thông, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục kĩ năng thực hành hướng nghiệp...
Để hoạt động giáo dục có chất lượng dĩ nhiên nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CBQL, GV đảm bảo về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng. Hằng năm, việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, kế hoạch xây dựng trường đạt CQG gắn liền việc bố trí đủ số lượng đội ngũ, có chất lượng trong bổ nhiệm, trẻ hóa trong sắp xếp... Chất lượng đội ngũ hiện thực từ nhiều hoạt động: đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các hội thi nghề nghiệp, trao đổi chuyên đề… Cũng cần nói thêm, xây dựng trường chuẩn, vấn đề đội ngũ còn là lực lượng nhân viên trường học cần chú trọng từ bố trí đủ số lượng đến đào tạo, bồi dưỡng. Dĩ nhiên trong tình hình đổi mới và hội nhập, vấn đề còn trở ngại trong quá trình vươn lên đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục mức độ IV đó là tính quốc tế, chia sẻ từ cô giáo Huỳnh Thị Minh Chi, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú, Đà Lạt (trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ III và CQG tháng 12/2013).
MINH ĐẠO