Lớp học trong đêm (bài 1)

06:04, 06/04/2021

Suốt 10 năm qua, ở những vùng nghèo khó nhất của vùng Bắc Lâm Đồng, đã có những lớp học chỉ diễn ra trong đêm - dưới ánh sáng hiu hắt của bóng đèn tích điện...

Suốt 10 năm qua, ở những vùng nghèo khó nhất của vùng Bắc Lâm Đồng, đã có những lớp học chỉ diễn ra trong đêm - dưới ánh sáng hiu hắt của bóng đèn tích điện. Lớp học mà người cầm phấn trắng đứng trước bảng đen tóc còn xanh, còn học trò có người mái đầu đã pha sương bởi đi qua hơn nửa cuộc đời đầy mưa nắng. Ở những lớp học trong đêm ấy, ngoài nghĩa thầy trò nồng thắm, còn có cả tình quân dân mặn nồng. Và cứ thế suốt 10 năm, những người thầy “bộ đội” đã đem “con chữ” đến với bao mảnh đời nơi rừng sâu, núi thẳm. 
 
Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy hướng dẫn cho bà con Tiểu khu 179 viết chữ
Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy hướng dẫn cho bà con Tiểu khu 179 viết chữ
 

Bài 1: Thầy giáo bộ đội ở Tiểu khu 179

 
“Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy em đến trường” - đó là câu hát mà những đứa trẻ người dân tộc H’Mông ở Tiểu khu 179 thuộc xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông vẫn ngân nga lúc tới điểm trường mỗi sáng. Nhưng những ngày này, ở Tiểu khu 179 không chỉ có thế. Bởi khi ông mặt trời đi ngủ, những người mẹ, người cha từ ruộng, rẫy trở về, ăn vội cơm tối, đeo đèn pin lên đầu và tới lớp để học chữ từ thầy giáo bộ đội.
 
Bỏ dở bữa cơm để lên lớp sớm
 
Lớp học xóa mù chữ vừa được bắt đầu vào ngày 18/3 tại Tiểu khu 179 có lẽ là lớp xóa mù đặc biệt nhất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng từ trước tới nay. Bởi thay vì đội ngũ trí thức trẻ thuộc Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu KTQP giai đoạn 2010 - 2020” đứng lớp, giáo viên ở đây lại chính là bộ đội. 
 
Chúng tôi có mặt tại Đoàn KTQP để theo chân các thầy giáo bộ đội vào Tiểu khu 179. Trong bữa cơm trưa cùng đơn vị trước khi xuất phát, Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy - Trợ lý chính trị Đoàn KTQP Lâm Đồng, cũng là thầy giáo đứng lớp trong tuần học đầu tiên tại lớp học xóa mù chữ - bảo rằng sẽ chuẩn bị cho các anh và chúng tôi áo mưa đi đường, dù trời tháng 3 Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Cứ ngỡ rằng anh bộ đội vui tính nói đùa, nhưng cho đến khi dừng xe lấy áo mưa bọc balo hành lý cho một tuần cắm chốt trong tiểu khu để đứng lớp, trước con đường đất đỏ đầy bụi mờ khi bắt đầu qua địa phận tỉnh Đắc Nông để đi vòng vào Tiểu khu 179, chúng tôi đã hiểu chiếc áo mưa có giá trị như thế nào. Và kết thúc hành trình 90 km đường núi quanh co trong 4 tiếng đồng hồ, đặt chân xuống Tiểu khu 179 khi bụi bám trắng xe máy, áo quần, balo của Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy và Thượng úy Hoàng Như Thanh - hai người cầm lái, chúng tôi bắt đầu nhận ra, con đường “gieo” chữ ở nơi này sẽ rất nhiều gian nan.
 
Tiểu khu 179 của xã Liêng Sronh là địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Đam Rông. Đây là nơi sinh sống của hơn 108 hộ người dân tộc H’Mông, với 664 nhân khẩu đều là dân di cư tự do trái phép từ các tỉnh miền núi Tây Bắc. Di cư tự do và sinh sống trong rừng phòng hộ chưa bao giờ là việc làm đúng. Ngoài những hệ lụy liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, thì giữa cuộc sống đang phát triển như vũ bão từng ngày, những con người nơi đây bao năm qua vẫn luôn chỉ có một khát khao: con chữ. 
 
Nghỉ một buổi lên rẫy, ông Ma Seo Tráng - người uy tín trong cộng đồng người H’Mông ở Tiểu khu 179 đã chờ đợi bộ đội vào dạy học. Vừa gặp bộ đội, ông hồ hởi khoe rằng “mình đã đi thông báo với bà con từ rất sớm rồi. Hôm nay bà con sẽ đi rẫy về sớm, ăn cơm sớm để đến lớp đúng giờ. Mấy thanh niên đã chuẩn bị sẵn bóng đèn, máy phát điện cho lớp học rồi bộ đội ạ!”.
 
Vào dạy lớp xóa mù, bộ đội sống cùng 3 thầy giáo tại điểm trường Tiểu khu 179. Biết có bộ đội vào, bó củi khô bà con mang từ rẫy về cho các thầy giáo lớn hơn bình thường để “các thầy và bộ đội thổi cơm”. Bể nước được dẫn từ suối về cũng đầy hơn ngày thường, một ít hoa chuối mang sang…; tất cả là “quà” của bà con cho các thầy giáo và bộ đội.
 
Hôm ấy, 3 thầy giáo, 2 bộ đội và cánh phóng viên chúng tôi ở Tiểu khu 179 đã ăn tối sớm để chuẩn bị cho buổi lên lớp. Nhưng đúng như ông Ma Seo Tráng bảo rằng “bà con mong bộ đội, mong lên lớp lắm đấy”, bữa cơm chiều không trọn vẹn khi người dân cứ lác đác đến sớm hơn giờ đã được thông báo. Hai chiếc bóng đèn dùng để chiếu tạm trên mâm cơm đành phải dời ra lớp học để đón bà con. Bộ đội cũng buông chén đũa xuống để lên lớp. Thầy Huân, thầy Ngọc, thầy Phù  cùng lúc bỏ dở chén cơm rồi ra chồng ghế lên cao, treo đèn chuẩn bị cho bà con đến lớp. Chỉ còn lại chúng tôi và mâm cơm dở dang trong bóng tối. 
 
Bốn bề rừng núi thâm u, bóng đen như nuốt chửng tất thảy những con người nhỏ bé ở Tiểu khu 179. Duy chỉ có điểm trường sáng đèn, lớp học nhộn nhịp, vui tươi như làm bừng lên sức sống giữa màn đêm u tịch. 1 người, 2 người, rồi 10 người và vượt qua con số 28 người đăng ký, đã có gần 50 người mang đèn pin trên đầu tới lớp. 
 
Thầy giáo Phạm Duy Huân (27 tuổi) bảo với chúng tôi rằng: “Đa số bà con nơi đây đều không biết chữ. Đàn ông có đôi ba người được học đến lớp 3, lớp 5. Phụ nữ có người chưa bao giờ chạm tới con chữ. Họ thậm chí không biết tiếng Kinh. Mỗi lần các thầy hỏi gì họ cũng lắc đầu và bảo “chư pâu” (không biết). Đây là lần đầu tiên trong đời được đi học nên nhiều người vui lắm”.
 
Có lẽ đúng như thầy giáo trẻ này nói, bởi bước vào lớp học hôm ấy, có những người mẹ đã mấy mặt con vẫn mang chiếc balo nhỏ màu hồng trên vai. Họ còn mang theo cả nụ cười và niềm háo hức bước vào lớp học.
 
Những người phụ nữ H’Mông lần đầu tiên được cầm đến phấn và bảng để tập viết
Những người phụ nữ H’Mông lần đầu tiên được cầm đến phấn và bảng để tập viết
 
Mẹ con cùng đến lớp
 
Bữa cơm tối hôm ấy của gia đình anh Ma Seo Lừ diễn ra sớm hơn thường lệ, anh bảo rằng “nay nhà mình đi làm về sớm, ăn cơm sớm để đi học đúng giờ đấy”. Người đàn ông 40 tuổi với 5 đứa con nhỏ vẫn rạng ngời khuôn mặt khi đến lớp ngày đầu tiên. “Nhà mình ngoài Tây Bắc nghèo lắm. Nhà xa trường, đi bộ vất vả lắm. Nhà năm nào cũng đói ăn nên mấy anh em phải đi trỉa ngô quanh năm thôi chứ đâu đi học được” - có lẽ tuổi thơ của Ma Seo Lừ cũng là câu chuyện chung của nhiều con người ở nơi này. Một tuổi thơ đói ăn và cả đói chữ. Có lẽ bởi thế nên dù đã lớn tuổi, dẫu có ngượng ngùng, nhưng khi nghe ông Ma Seo Tráng thông báo có lớp học, Ma Seo Lừ đã cười, gật đầu và nói rằng “mình phải đến lớp chứ”. 
 
Trong lớp học ở Tiểu khu 179 đêm ấy, các thầy giáo phải phụ bộ đội kéo khoảng cách giữa các bàn rộng ra. Không phải bởi học trò là những người lớn, mà bởi rất nhiều người mẹ địu theo con tới trường. Khoảng cách bàn được kéo rộng ra để đứa trẻ có không gian say giấc nồng trên lưng mẹ. Chị Sùng Thị Chư (27 tuổi) chăm chú nhìn thầy giáo giảng bài trên bảng, một tay nắn nót viên phấn trên bảng đen, một tay vẫn vỗ nhịp đều để đứa con trên lưng ngon giấc. Có người mẹ khác đang học thì con thức giấc, bỏ dở viên phấn và tấm bảng, chạy ra ngoài cho con bú rồi vào học tiếp. Hơi ngượng nghịu, nhưng có lẽ điều đó không lớn bằng niềm vui con chữ họ có được hôm nay.
 
Để chuẩn bị tốt nhất cho bà con đến lớp, ngoài giáo án đặc biệt chuyên dụng cho chương trình xóa mù chữ, Đoàn KTQP còn chuẩn bị toàn bộ phấn trắng, bảng, vở, bút cho bà con. “Mọi thứ có bộ đội lo hết, bà con cứ an tâm đi học chăm chỉ” - trong màn đêm tĩnh mịch, giọng của Thiếu tá Nguyễn Trọng Thúy vang lên như xé tan không khí ngại ngùng ban đầu. Cứ như vậy, anh xưng với bà con là bộ đội, giản dị nhưng gần gũi và thân tình. Lần đầu tiên làm thầy giáo, bỡ ngỡ với những kỹ năng nghiệp vụ sư phạm hoàn toàn xa lạ, cả Thiếu tá Thúy và Thượng úy Thanh đều dùng chính sự chân thành của mình để giao tiếp với lớp học.
 
Lớp học xóa mù chữ ở Tiểu khu 179 được chia làm 3 tổ. Buổi học đầu tiên, anh Thào Seo Nhà (33 tuổi) được bầu làm lớp trưởng, vì anh đã biết được một ít chữ và nói được tiếng Kinh, có thể giúp thầy giáo trao đổi với lớp học. Còn Vừ Sánh Tòng, 46 tuổi, là người lớn tuổi nhất lớp được phân làm tổ trưởng tổ 2. Có lẽ với những người thường ngày vốn chỉ quen với lam lũ này, đây là lần đầu tiên họ được biết đến từ “lớp trưởng”, “tổ trưởng”, lần đầu tiên hào hứng và ngại ngùng mang trên mình trọng trách mà họ từ chối không dám nhận, vì lý do sợ mình không làm nổi.
 
Hôm ấy, lớp trưởng Thào Seo Nhà không tập viết, mà chỉ cho từng người viết những nét chữ đầu tiên lên chiếc bảng nhỏ. Anh bảo ngày xưa nhà nghèo, trường lại xa, thèm chữ lắm mà không đi học được. Bây giờ thì nhà có 4 đứa con, trừ 3 đứa đã được đi học, anh mang theo cả đứa con khuyết tật đi cùng mình, “vì đời mình không biết chữ là đã khổ và thiệt thòi lắm rồi” - lớp trưởng cười hiền khô, chia sẻ.
 
Vậy là đều đặn mỗi tối, khắp các ngả đường tối om của Tiểu khu 179, bà con lại soi đèn cùng nhau đến lớp học của bộ đội. Hai tiếng mỗi đêm, những bàn tay chai sần, thô ráp, quanh năm chỉ làm bạn với cuốc, rựa, gùi,... nay uốn nắn theo từng nét chữ. Các thầy giáo bộ đội, và cả nhiều người trong số đó chỉ mong đến một ngày, họ có thể biết đọc thành thạo và viết được tên, thay vì những cái lắc đầu khi được hỏi về họ tên và năm sinh vào ngày đầu đến lớp.
 
NGỌC NGÀ - VIỆT QUỲNH