Đó là Tạp chí khoa học của Trường Đại học Đà Lạt nhưng nhiều người chưa hẳn biết đến uy tín của ấn phẩm này...
Đó là Tạp chí khoa học (TCKH) của Trường Đại học Đà Lạt nhưng nhiều người chưa hẳn biết đến uy tín của ấn phẩm này. Sự nỗ lực và thành quả của Trường Đại học Đà Lạt đã đưa ấn phẩm trở thành TCKH đa ngành duy nhất của Việt Nam được chỉ mục vào Hệ thống DOAJ và được cấp DOAJ Seal.
|
TCKH Đại học Đà Lạt là ấn phẩm quan trọng ở Thư viện nhà trường |
Khoa học công nghệ là tất yếu của thời kỳ mới
TCKH Đại học Đà Lạt là một trong 4 ấn phẩm có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông ở Lâm Đồng, cùng với Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Tạp chí LangBiang của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. TCKH Đại học Đà Lạt (ISSN: 0866-787X) được xuất bản từ năm 2010, tiền thân vào thập kỷ 1990 là Thông báo Khoa học Đại học Đà Lạt. Hiện tạp chí phát hành định kỳ 4 số một năm, đăng tải các công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trong 3 chuyên san: Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Kinh tế và Quản lý.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục và đào tạo đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự thành công và khả năng hội nhập quốc tế của các tạp chí sẽ góp phần đáng kể để quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của các trường đại học Việt Nam. Tại Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng, phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, có ít nhất 10 TCKH của các cơ sở giáo dục đại học trong nước được nâng lên cấp đạt chuẩn của các tạp chí quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới”.
Đi tiên phong
Tại Trường Đại học Đà Lạt, 5 năm qua (giai đoạn 2015-2020), nâng cấp về nội dung và hình thức, hoàn thiện quy trình tòa soạn và quản lý xuất bản trực tuyến theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế đối với TCKH là một trong những nhiệm vụ nhà trường rất chú trọng. Từ năm 2015, trường đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược nâng cấp tạp chí theo các tiêu chuẩn quốc tế và triển khai lộ trình 4 bước rất thận trọng, chặt chẽ với các giải pháp cụ thể và khả thi. Tháng 11/2017, TCKH Đại học Đà Lạt đã thỏa mãn 10 tiêu chuẩn xét duyệt nghiêm ngặt với điểm đánh giá 19/20 điểm và trở thành một trong 6 TCKH đầu tiên của Việt Nam được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống Trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Citation Index-ACI). Kết thúc giai đoạn 2015-2020, TCKH Đại học Đà Lạt đã hoàn thành việc chuẩn hóa các chính sách và quy trình xuất bản theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, tạp chí được kết nạp làm thành viên đầu tiên và duy nhất có địa chỉ từ Việt Nam của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế (Committee on Publicaton Ethics-COPE). TCKH Đại học Đà Lạt đồng thời được chỉ mục vào Thư mục Các tạp chí truy cập tự do (Directory of Open Access Journals-DOAJ), một cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín. Đến đầu năm 2021, TCKH Trường Đại học Đà Lạt là TCKH đa ngành duy nhất của Việt Nam được chỉ mục vào Hệ thống DOAJ và được cấp DOAJ Seal.
Ở trong nước, tháng 8/2019, Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận TCKH Đại học Đà Lạt là tạp chí quốc gia có uy tín thuộc lĩnh vực Vật lý, nằm trong Danh mục 60 tạp chí quốc gia có uy tín năm 2019 của Việt Nam. Ngày 30/6/2020, Hội đồng Giáo sư (HĐGS) Nhà nước ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐGSNN “Phê duyệt Danh mục TCKH được tính điểm năm 2020”. Tại thời điểm này, các công trình được xuất bản trên TCKH Đại học Đà Lạt được công nhận và tính điểm trong 17 lĩnh vực thuộc 13 HĐGS ngành và liên ngành. Trong đó, các HĐGS liên ngành Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản; ngành Cơ học; ngành Luyện kim; ngành Thủy lợi; ngành Y học đã công nhận TCKH đạt chuẩn ACI (ASEAN Citation Index), là các tạp chí quốc tế, được tính tối đa đến 1,25 điểm. Trước đó, năm 2016, công trình ngành Văn học đăng trên TCKH Đại học Đà Lạt là ngành đầu tiên được công nhận và tính điểm. Cùng với các ngành trên, tạp chí còn được công nhận và tính điểm ở các ngành/liên ngành: Kinh tế; Công nghệ và Thông tin; Sinh học; Triết học - Xã hội học - Chính trị học; Toán học; Vật lý; Ngôn ngữ học.
Tiếp tục triển khai lộ trình quốc tế hóa
Hiện nay, Trường Đại học Đà Lạt đang triển khai bước thứ 4 trong lộ trình quốc tế hóa, hướng đến chỉ mục Tạp chí vào Hệ thống SCOPUS và (hoặc) ESCI trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Năm học 2020-2021, theo Hiệu trưởng, Tiến sĩ Lê Minh Chiến cho biết, nhà trường sẽ triển khai kế hoạch xuất bản TCKH bằng tiếng Anh, thí điểm từ số 4, tập 10, năm 2020; xuất bản các số/tập tiếp theo của năm 2020 và 2021. Cùng việc tiếp tục nâng chất lượng về quản trị là nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của phương án nâng cấp Hệ thống Quản lý xuất bản trực tuyến. Mục tiêu năm học này, số lần trích dẫn đến các công trình đăng trên tạp chí tăng tối thiểu 10%; xuất bản ít nhất 2 bài báo có tác giả/đồng tác giả là người nước ngoài…
TCKH Đại học Đà Lạt ngày càng trở thành diễn đàn có sức hút đối với các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường công bố, trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học. Diễn đàn có tác động lớn đến công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường. Trong dịp thăm và làm việc tại trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng của Trường Đại học Đà Lạt, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng… Cùng các lĩnh vực, Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục nỗ lực khẳng định vị thế của cơ sở giáo dục đại học uy tín trong khu vực; xứng đáng là thành viên liên kết của “Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á” (AUN-QA).
MINH ĐẠO