Non sông liền một dải

07:04, 29/04/2021

Không gian Đà Lạt quanh năm êm đềm quyến rũ, nhưng người Đà Lạt không ngủ yên khi quân thù còn bước chân xâm lược trên quê hương...

Không gian Đà Lạt quanh năm êm đềm quyến rũ, nhưng người Đà Lạt không ngủ yên khi quân thù còn bước chân xâm lược trên quê hương. Ta hãy điểm sơ qua đôi nét về truyền thống đấu tranh giành độc lập của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Đà Lạt trong thời khắc lịch sử cùng cả nước, cả dân tộc nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, xẻng, gậy gộc, đứng lên giành chính quyền về tay Nhân dân”. 
 
Ngày 3/4/1975, Đà Lạt được giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Ngày 3/4/1975, Đà Lạt được giải phóng. Ảnh: Tư liệu
 
Từ ngày 23 tháng 8 đến ngày 28 tháng 8 năm 1945, Nhân dân Đà Lạt đã vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Ở Đà Lạt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, cử ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch - chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp.
 
Năm 1966, Nhân dân Đà Lạt cùng với lực lượng học sinh - sinh viên đã xuống đường biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ cút về nước. Họ đã đấu tranh trực diện với luật sư Nguyễn Thị Hậu, Thị trưởng thành phố Đà Lạt. Sau đó tràn qua chiếm Đài Phát thanh và chiếm hợp tác xã rau, đốt Đài Phát thanh, đốt xe Mỹ trước Chợ Đà Lạt. Cuộc đấu tranh đã diễn ra gần cả tháng trời, địch cho cảnh sát dã chiến đàn áp dã man.
 
Mùa Xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra với cuộc hành quân thần tốc, táo bạo đã cuốn phăng đi những thành trì, đồn bót và bộ máy ngụy quyền tay sai do đế quốc Mỹ dựng nên ở miền Nam suốt 21 năm. Hòa trong khí thế chiến thắng, Nhân dân Đà Lạt vui mừng khi non sông nối liền một dải. Những ngày 31/3, mùng 1, 2, 3/4/1975, người dân Đà Lạt lần đầu tiên tiếp xúc với quân giải phóng. Họ đến với cách mạng bằng một tinh thần tự giác, bằng một tấm lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao khi được giao nhiệm vụ.
 
Tôi về lại Phường 8 gặp chị Nguyễn Thị Nhung (nguyên là cán bộ phụ vận), người hoạt động bí mật trong lòng địch. Chị bồi hồi nhớ lại: “Sau khi mình đi dự lớp tập huấn về công tác tiếp quản đô thị thì được lệnh phải ra thành gấp (lúc này Đà Lạt chưa giải phóng). Quân ta tiến công dồn dập giải phóng hàng loạt các tỉnh miền Trung. Ngày 1 và 2 tháng 4 địch đã bỏ nhiệm sở tháo chạy, đường phố hỗn loạn. Tôi và một số anh em cán bộ thanh niên, binh vận, công vận phân công nhau đi xuống các ấp, khóm nội thị gặp gỡ các cơ sở cách mạng. Những nhân tố tại chỗ này đã hợp tác hăng hái tự nguyện, dựng nên những tổ đội xung kích, đội cờ đỏ trong thanh niên, phụ nữ. Dùng loa kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện giao nộp vũ khí. Những ngày ấy làm việc thâu đêm, suốt sáng không biết mệt mỏi. Có anh Lê Văn Thành là thầy giáo (nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 1 Nguyễn Trãi) thành phố Đà Lạt đã thức cùng chúng tôi miệt mài ngồi viết khẩu hiệu, băng rôn chào mừng cách mạng. Qua công tác binh vận đã giác ngộ anh Tân là lính cảnh sát dã chiến ngày đêm miệt mài bên bàn máy để may cờ cho kịp phục vụ ngày mít tinh ở sân vận động. Đội ngũ lực lượng trẻ đêm đêm tỏa xuống các khóm cùng sinh hoạt với thanh niên, với bà con, dần dần Nhân dân ý thức được chính sách hòa hợp dân tộc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, từ đó nỗi sợ hãi cũng dần vơi đi. Sau này họ mới thổ lộ tâm sự, họ bị đầu độc “Việt cộng sẽ trả thù”, sẽ tắm máu những gia đình làm việc cho chế độ cũ, chị em nào để móng tay sẽ bị rút, không được mặc quần loe, không được tô son, đánh phấn…”.
 
Tôi gặp lại bác Phùng Sang, nhà ở Tổ 12, Phường 2, thành phố Đà Lạt, năm nay ông đã bước qua tuổi 95 nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, cơ thể vẫn tráng kiện, đặc biệt là trí nhớ rất tốt. Ông nhớ lại những ngày đầu giải phóng: “Non sông về một mối, đất nước thống nhất là nỗi niềm mơ ước của đời tôi qua bao nhiêu năm đất nước chìm trong binh đao, khói lửa. Mừng quá chứ anh! Từ đây bóng giặc không còn trên quê hương mình. Niềm tự hào nho nhỏ của riêng tôi là suốt quãng đời tôi đóng góp một phần xương máu để giành độc lập dân tộc”.
 
Đà Lạt ngày nay. Ảnh: Văn Báu
Đà Lạt ngày nay. Ảnh: Văn Báu
 
Để kịp thời chỉ đạo các mặt hoạt động của thành phố, tối ngày 4/4/1975 tại số nhà 15 đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, Khu ủy Khu 6 đã họp với Tỉnh ủy Tuyên Đức và Thị ủy Đà Lạt quyết định thành lập Ban Quân quản thành phố. Đồng thời, tăng cường cán bộ xuống các cơ sở, khóm, ấp thành lập các ủy ban quân quản, các tổ chức dân quân tự vệ. Từ đó, tình hình trật tự trị an dần được thiết lập, quần chúng nhân dân vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Mặt trận. Ông Trương Trổ (nguyên Giám đốc Sở khoa học - Công nghệ môi trường) nhớ lại: “Đêm 1/4, tôi từ chiến khu về thị xã Đà Lạt qua hướng Đa Phú, Kim Thạch, gặp một số cơ sở nòng cốt họ mừng lắm. Công việc đầu tiên của cơ sở là hướng dẫn bà con hưởng ứng chính sách 10 điểm của Mặt trận. Tâm tư của người dân lúc này vẫn còn phân vân về cuộc chiến thắng có vững chắc không, chứ như hồi Tết Mậu Thân thì chết. Một số ít liên quan tới chế độ cũ thì lo sợ bị trả thù, làn sóng di tản lác đác diễn ra hàng ngày. Mãi đến ngày 14/4, một cuộc mít tinh lớn với số lượng người tham dự lên đến gần một vạn người ở sân vận động thành phố. Cờ hoa rợp trời, khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ và ảnh Bác Hồ giương cao chào mừng Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, ông là Chủ tịch (Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) về dự. Trong buổi mít tinh này, thay mặt Chính phủ ông đã tặng thưởng cho Đảng bộ quân và dân thành phố Đà Lạt Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Buổi mít tinh ấy như một liều dolping củng cố thêm lòng tin vào chính sách, chủ trương của Đảng”.
 
Trải qua hai cuộc kháng chiến người dân Đà Lạt vẫn kiên trung bất khuất, một lòng đi theo Đảng để giành độc lập cho dân tộc. Giờ đây đất nước đã trọn vẹn niềm vui, gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình, độc lập mới thấy hết giá trị xương máu mà Nhân dân ta đã đổ xuống để có cuộc sống thanh bình. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải trân trọng, giữ gìn non sông gấm vóc này.
 
VÕ TRẦN PHÚ