Thực hiện lời Bác dạy trong Thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 và thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên năm 2006...
Thực hiện lời Bác dạy trong Thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 và thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên năm 2006; cộng đồng các dân tộc trong tỉnh luôn chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
|
Đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng luôn khắc ghi lời dạy của Bác và thực hiện Quyết tâm thư của Già làng Tây Nguyên |
Sau 15 năm triển khai thực hiện, Quyết tâm thư vẫn còn nguyên giá trị, tình cảm của bà con các dân tộc dành cho vị Cha già kính yêu vẫn còn nguyên vẹn, tình đoàn kết của buôn làng ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Tại Lâm Đồng, có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong tổng số trên 1,3 triệu người thì có khoảng 25% là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru, Nùng, Tày, Hoa, H’Mông... Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đầu tư đặc biệt nhằm hỗ trợ bà con DTTS phát triển, có mức sống ngày càng khá hơn. Qua tuyên truyền quyết tâm thư, nhận thức của bà con các dân tộc Tây Nguyên đã có chuyển biến tích cực, ý thức về việc xây dựng, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc được hun đúc tạo nên khối đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Đại hội đã đề ra Quyết tâm thư với những nội dung trọng tâm, chủ yếu như: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bày tỏ niềm tin son sắt và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn như mãi mãi đi theo ánh sáng mặt trời. Quyết tâm ghi tạc và nguyện thực hiện tốt nhất lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không hề giảm bớt”. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nguyện chung sức, chung lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nguyện cùng nhau bảo tồn và phát huy làm cho văn hóa các dân tộc Tây Nguyên ngày càng góp phần xứng đáng vào quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng bào cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, thực hiện định canh định cư, chăm lo cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong các dân tộc Tây Nguyên. Tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở tất cả các cấp để xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp. Không ngừng nâng cao cảnh giác, kiên quyết phòng và chống mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, giữa người Kinh và người Thượng, giữa lương và giáo của các thế lực thù địch.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bon Yo Soan cho biết: Thực hiện lời Bác dạy trong Thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946 và thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên năm 2006; MTTQ và các đoàn thể chính trị đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quyết tâm thư của Già làng Tây Nguyên vào các dịp ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư, các buổi họp tổ dân phố. Phát huy vai trò của các già làng, người uy tín tiêu biểu trong vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như già làng K’Wil ở Bảo Lâm, K’Thanh Lú ở Đạ Tẻh, K’Ba Dùi ở Đạ Huoai đã đi đầu trong tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, đó cũng là thực hiện nội dung của Quyết tâm thư mà các Già làng Tây Nguyên cùng cam kết. Họ đã vận động thanh niên trong buôn lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Các vị già làng, người uy tín ở khắp nơi trong tỉnh đã tích cực vận động bà con trong buôn làng, dòng tộc, nhất là lớp thanh niên cần nêu cao cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin, không làm theo sự kích động, xúi giục của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, già làng Kră Jăn Ha Siêng - tổ dân phố Đăng Gia Rít B - thị trấn Lạc Dương cho biết: thực hiện lời Bác căn dặn, thực hiện Quyết tâm thư từ năm 2006, chúng tôi đã tích cực vận động bà con làm theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản thân tôi đã gương mẫu tham gia hiến hơn 100 m
2 đất để làm đường giao thông. Tôi cùng với các già làng trong các thôn, cùng người uy tín trong buôn thực hiện vận động bà con DTTS không lấn chiếm đất rừng, không phá rừng làm rẫy, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới”. Bà con chúng tôi ngày nay tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, và đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của thị trấn, của huyện Lạc Dương.
Đến nay, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh luôn chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo thống kê, từ 2009 - 2019 Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tham gia đóng góp trên 947 tỷ đồng và trên 774 ngày công lao động, đặc biệt tham gia hiến đất làm đường nông thôn mới. Tiêu biểu như ông Cil Ha Huyn ở thôn Cil Múp, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã vận động Nhân dân hiến hơn 5.000 m2 đất; ông Kră Jăn Ha Tem ở Thôn 2, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương hiến 720 m2 đất của gia đình để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và làm đường nội thôn. Kết quả, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các già làng, người uy tín, của đồng bào các DTTS trong tỉnh.
NGUYỆT THU