(LĐ online) - Ngày 5/4, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng.
(LĐ online) - Ngày 5/4, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng.
|
Bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hướng dẫn bệnh nhi rửa tay sát khuẩn phòng bệnh tay chân miệng |
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng là 149 ca, tăng 109 ca so với cùng kỳ. Trong đó, các địa phương có số mắc tăng cao là thành phố Đà Lạt 67 ca, huyện Di Linh 21 ca, thành phố Bảo Lộc 20.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, để kịp thời kiểm soát bệnh tay chân miệng, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, Sở Y tế tỉnh yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh lập kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn và khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất... để cung cấp cho các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng. Tăng cường việc theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh; đặc biệt thường xuyên theo dõi ca bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại đơn vị để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh chuyển đến. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.
Trung tâm y tế các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe Nhân dân; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; thực hiện rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.
Phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình; hướng dẫn ngành giáo dục và đào tạo thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch; phổ biến cho ngành giáo dục và đào tạo biết các triệu chứng của bệnh để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở giáo dục và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để tổ chức khám, điều trị và xử lý kịp thời ca bệnh.
AN NHIÊN