(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm đúng quy định pháp luật để đảm bảo sức khỏe người dân.
(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm đúng quy định pháp luật để đảm bảo sức khỏe người dân.
|
UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát tốt các hoạt động từ thiện, nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố. Trong ảnh: Bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc. Ảnh tư liệu: Đông Anh |
Hiện nay, tình trạng một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, một số tổ chức cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm song vẫn hoạt động, vấn đề kinh doanh thực phẩm qua mạng hầu như chưa được kiểm soát… gây nguy cơ rất lớn mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Đặc biệt, vụ việc phát hiện sản phẩm trà sữa có chứa chất gây nghiện tại Đà Lạt mới đây hết sức nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND các huyện, TP tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, không để các thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn lưu hành trên thị trường.
Các tổ liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất, giải quyết các sự cố mất an toàn thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm, kịp thời ngăn chặn không để thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm có chứa chất cấm lưu hành đến tay người tiêu dùng; kiểm tra bên trong và xung quanh các trường học trên đia bàn, chỉ đạo các trường học có dịch vụ ăn uống tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, không sử dụng thực phẩm bao gói sẵn không có nguồn gốc, không có nhãn mác theo quy định…
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm đa cấp, thương mại điện tử…
Các huyện, thành phố cũng cần chủ động lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới, kiểm soát tốt các hoạt động từ thiện, nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
H.THẮM