Điểm đặc trưng của ứng dụng mô hình Y học từ xa (Telehealth) tại Việt Nam hiện nay là sử dụng công nghệ để tổ chức hội chẩn chuyên môn giữa các đơn vị, hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp cứu...
Điểm đặc trưng của ứng dụng mô hình Y học từ xa (Telehealth) tại Việt Nam hiện nay là sử dụng công nghệ để tổ chức hội chẩn chuyên môn giữa các đơn vị, hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp cứu. Với mô hình này, việc chẩn đoán và điều trị với ý kiến của các chuyên gia đầu ngành giữa bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tỉnh, khu vực sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, tạo cơ hội cho nhân viên y tế địa phương được đào tạo liên tục, nâng cao năng lực chuyên môn là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm tải người bệnh đối với các bệnh viện tuyến Trung ương.
|
Các bác sĩ đang hội chẩn trước ca mổ chuyển giao kỹ thuật lĩnh vực Răng hàm mặt tại BVĐK Lâm Đồng |
Ứng dụng Telehealth hội chẩn ca bệnh nặng
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh vừa triển khai chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng về chuyên khoa Răng Hàm Mặt theo Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh). Theo đó, từ ngày 28-29/4, chuyên gia BSCKII Lê Ngọc Tròn - Phó Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh đã đến BVĐK Lâm Đồng hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ BVĐK tỉnh xử lý khám cho 8 ca bệnh, chuyển giao phẫu thuật 3 ca khó và hướng dẫn bác sĩ của khoa thực hiện mổ 5 ca.
BVĐK Lâm Đồng và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh đã ký kết thực hiện Đề án 1816, hiện triển khai 4 kỹ thuật trong gói chuyển giao gồm: Phẫu thuật kết hợp xương gãy Lefort I, II, III; gãy phức hợp gò má bằng nẹp vít hợp kim. Đây là các ca gãy phức tạp, kỹ thuật khó... Hiện nay có 3 bác sĩ của BVĐK Lâm Đồng tiếp nhận kỹ thuật này và sắp tới các ca khó vượt khả năng sẽ mời chuyên gia về hướng dẫn kỹ thuật (cầm tay chỉ việc).
Riêng việc ứng dụng Telehealth để hội chẩn từ xa tại Khoa Răng Hàm Mặt đã triển khai theo chủ trương của Bộ Y tế, BVĐK Lâm Đồng tham gia chương trình ngay từ ngày đầu. BSCKI Trần Hữu Hoàn - Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt BVĐK Lâm Đồng cho biết: “Qua hội chẩn từ xa, cá nhân tôi học tập nhiều từ các chuyên gia, học từ bạn, từ thầy, từ xa qua hệ thống Telehealth.
Để hội chẩn từ xa phải chuẩn bị bệnh án và kết nối dữ liệu cận lâm sàng với tuyến trung ương để trao đổi chuyên môn qua các điểm cầu. Đường truyền tốt qua hệ thống Viettel hỗ trợ, hoặc theo dõi qua hệ thống zoom. Mỗi tuần, các bệnh viện tuyến trên đều duy trì hội chẩn từ xa theo chuyên đề qua Telehealth hoặc qua zoom”.
Mới đây, trong tháng 4/2021, ca đầu tiên có bệnh nhân Lâm Đồng đưa vào hội chẩn từ xa. Cụ thể: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành hội chẩn từ xa 2 ca chấn thương hàm mặt phức tạp do tai nạn giao thông của 2 tỉnh Lâm Đồng và Long An.
Tham dự buổi hội chẩn có sự chủ trì của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; TS Đặng Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT; GS-TS Đỗ Tất Cường - Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam cùng lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê hoan nghênh Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh đã thực hiện và duy trì hội chẩn định kỳ hàng tuần với các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến dưới cần tận dụng cơ hội vừa nâng cao trình độ, kiến thức vừa là cơ hội cứu chữa người bệnh. Trong thời gian tới, việc hội chẩn sẽ được mở rộng đến các trạm y tế xã, để người dân ngày càng được tiếp cận với y tế kỹ thuật cao.
Tại buổi hội chẩn, bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo trường hợp anh Phạm Văn A., sinh năm 1997 bị chấn hương hàm mặt do tai nạn giao thông vào ngày 12/4. Vết thương vùng gò má trái, gãy hở phức tạp gò má trái. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy hở phức hợp gò má trái; gãy block xương ổ răng 26-28; gãy hở xương hàm dưới vùng cằm, theo dõi liệt dây thần kinh số III và VI. Bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK tỉnh Lâm Đồng đề xuất bệnh nhân cần được phẫu thuật nắn chỉnh và kết hợp xương gò má trái, xương hàm dưới và đề nghị chuyển giao kỹ thuật từ chuyên gia của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh.
ThS.BS Lâm Quốc Việt, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, BV Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh đã phân tích các hình ảnh chụp cắt lớp mà bệnh viện tuyến dưới gửi lên để thấy rõ những thương tổn mà bệnh nhân gặp phải và những tiên lượng khi thực hiện phẫu thuật. Đối với trường hợp bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng, ThS.BS CKII Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt; TS.BS Huỳnh Văn Dương - Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt đã đánh giá bệnh nhân gặp phải chấn thương hàm mặt phức tạp. BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã chẩn đoán đúng, tuy nhiên, liên quan đến ổ mắt, dây thần kinh số III và số VI nên Khoa Răng Hàm Mặt cần hội chẩn cùng với Khoa Mắt để đánh giá và xác định tổn thương mắt, tích cực điều trị giảm phù, nề mắt và xác định những tổn thương mắt trước khi chấn thương...
Dự kiến sau khi đánh giá lại tình trạng người bệnh và phối hợp với các chuyên khoa cần hội chẩn, các bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh sẽ về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh Lâm Đồng. ThS. Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh cho biết, hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp các bác sĩ tuyến dưới đánh giá, chẩn đoán bệnh rõ ràng, hiệu quả hơn. Với những ca phức tạp như ca bệnh tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét để cử cán bộ về hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi hội chẩn từ xa, bệnh nhân đã có nguyện vọng chuyển tuyến về TP Hồ Chí Minh, vì vậy, BVĐK Lâm Đồng đã giải quyết theo nguyện vọng của bệnh nhân.
|
Chuyên gia BSCKII Lê Ngọc Tròn - Phó Khoa Phẫu thuật Hàm Mặt của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM chuyển giao kỹ thuật cho BS BVĐK Lâm Đồng phẫu thuật các ca khó |
Đề án “Khám chữa bệnh từ xa”
Y học từ xa (Telehealth) là công nghệ hỗ trợ ưu việt cho quá trình chăm sóc sức khỏe Nhân dân, điều trị và dự phòng bệnh tật cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của y học từ xa cũng như chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển khoa học kỹ thuật ở mỗi bệnh viện và cán bộ y tế là vô cùng cần thiết, góp phần tạo bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách giữa y học truyền thống và y học hiện đại.
Y học từ xa là xu hướng mới trên thế giới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin. Dịch vụ này có thể bao gồm cả chẩn đoán, điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử trí tình huống khẩn cấp hay dự phòng dịch bệnh, mà không phải đối mặt với những thách thức về khoảng cách địa lý. Y học từ xa nổi bật với các ưu điểm như: sự nhanh chóng, thuận tiện, dễ tiếp cận và chi phí thấp. Đặc biệt, khi cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối mặt với mối nguy cơ đến từ đại dịch COVID-19, việc áp dụng y học từ xa trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe Nhân dân không chỉ giúp quá trình khám chữa bệnh được duy trì thông suốt, kịp thời và chất lượng mà còn hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng dịch.
Tuy nhiên, trong thực tế, một số cơ sở y tế vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn để đưa y học từ xa đến với bác sĩ và người bệnh, những yêu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn là trở ngại lớn. Như vậy, tuy không thể thay thế hoàn toàn cho khám chữa bệnh trực tiếp nhưng y học từ xa vẫn là công cụ hỗ trợ đắc lực, đóng vai trò quan trọng trong y học hiện đại.
Tại Việt Nam, Y học từ xa là mô hình y tế được cung cấp thông qua hệ thống âm thanh, hình ảnh điện tử, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giữa các bệnh viện hoặc giữa bác sĩ với người bệnh. Mô hình này bao gồm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, chỉ định cận lâm sàng, kê đơn thuốc, phân phát tài liệu hướng dẫn người bệnh hoặc các dịch vụ y tế khác như theo dõi y tế từ xa, tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế...
Ngày 22/6/2020, Bộ trưởng Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 nhằm nâng cao chất lượng điều trị và bao phủ y tế toàn dân. Đề án nêu rõ: “Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân”.
Tiếp đó, Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa. Toàn bộ 63 tỉnh, thành đã có bệnh viện đăng ký. Có một số bệnh viện của nước bạn Lào và Campuchia đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia đề án. Sở Y tế Lâm Đồng đã đăng ký cho 10 bệnh viện tuyến dưới trực thuộc ngành Y tế Lâm Đồng gồm: BVĐK Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch; Trung tâm Y tế các huyện: Đạ Huoai, Cát Tiên, Lạc Dương, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng ứng dụng Telehealth với 14 bệnh viện tuyến trên trực thuộc tuyến Trung ương. Sở Y tế đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn xây dựng đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021-2025 và yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện xây dựng đề án phù hợp, đồng bộ.
AN NHIÊN