Đó là lựa chọn của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nhã (29 tuổi). Nhã chọn ngọn đồi Ma Bó - nơi có những buôn làng của người dân tộc Chu Ru cùng nhau sinh sống tại xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) với mong muốn xây dựng nên những giá trị lâu bền cho cộng đồng cùng hoạt động khai thác, thúc đẩy du lịch.
Đó là lựa chọn của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Nhã (29 tuổi). Nhã chọn ngọn đồi Ma Bó - nơi có những buôn làng của người dân tộc Chu Ru cùng nhau sinh sống tại xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) với mong muốn xây dựng nên những giá trị lâu bền cho cộng đồng cùng hoạt động khai thác, thúc đẩy du lịch.
|
Những đứa trẻ Chu Ru thích thú với các hoạt động đầy mới lạ của thư viện Tủ sách bồ câu |
Sau nhiều ngày tháng ấp ủ, Tủ sách bồ câu - một thư viện nhỏ chứa hàng trăm đầu sách miễn phí cho trẻ em của Nguyễn Văn Nhã được hoàn thành. Lấy cảm hứng từ chính hình ảnh chuồng chim bồ câu của người dân trong thôn, Nhã mong muốn thư viện trở thành nơi khám phá và giải trí cho trẻ em trong những phút giây ngoài giờ học. “Hi vọng nơi đây sẽ giúp nuôi dưỡng cho các em có một tâm hồn thật đẹp, một tuổi thơ thật hạnh phúc và một tương lai thật bền vững”, Nhã nói.
Khi mà trẻ em nơi phố thị đã biết tiếp cận đến những phương tiện hiện đại, biết mày mò những thiết bị điện tử điều khiển từ xa… thì ước mơ của đám trẻ làng Ma Bó lại vô cùng giản đơn, cứ con trai thì đá bóng còn con gái thì muốn làm cô giáo… “Chính những điều này đã thôi thúc mình phải làm gì đó để giúp các em có thể tiếp cận được nhiều hơn thế giới ngoài kia. Để chúng biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn ngoài lượng kiến thức gói kín trong những trang sách và giờ lên lớp, để chúng ý thức được trách nhiệm của mình với thiên nhiên và với quê hương”, Nhã chia sẻ.
Nhã kể rằng mình biết đến vùng đất này từ cách đây khoảng 5 năm, khi dự án khởi nghiệp của cậu tổ chức các tour du lịch thiện nguyện, về với bà con ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Thế rồi như có điều gì đó níu chân, để rồi sau nhiều lựa chọn và những xô bồ của cuộc sống, Nhã chọn lui về đây.
Gần nửa năm trời, một mình cậu lọ mọ dựng cái này, sửa cái kia. Ngoài căn nhà gỗ là nơi dừng chân của du khách, chàng trai trẻ đặc biệt dành tâm huyết cho thư viện. Để khuyến khích trẻ em và tạo hứng thú, Nhã để chính những đứa trẻ tham gia vào việc trang trí, làm đẹp không gian, sắp xếp sách theo ý thích. Từng góc nhỏ mang tên gọi như Tinh nghịch, Kết nối, Khám phá, Yêu thương… như những lời nhắc nhở các em nhỏ về chính đặc điểm của mình và dạy chúng biết cách đối xử với những người xung quanh.
Sách ở thư viện cũng phần nhiều do bạn bè ở các nơi gom góp hoặc mua gửi tặng như một thông điệp để ủng hộ Nhã tạo dựng nên những giá trị cho cộng đồng. Bên cạnh đó, vào các dịp cuối tuần, Nhã tổ chức chiếu phim về đề tài trẻ em, gia đình. Cậu cùng những người bạn tự tay vẽ tranh minh họa, tổ chức những buổi sinh hoạt kể chuyện để từ đó kích thích sự sáng tạo vốn có nơi trẻ em. Và không nằm ngoài mong đợi, đám trẻ dần dần mở lòng, vui thú, ngoan ngoãn trong những lần tìm đến thư viện.
Hiểu được những gì mà Nhã đang làm, bạn bè ở Đà Lạt và nhiều nơi khác đã kết nối, lên trao học bổng, hỗ trợ dạy tin học, dạy tiếng Anh, kèm cặp tiếng Việt. Nhã chia sẻ: “Trước đây mình hay trao học bổng để động viên, khuyến khích các em nhưng điều đó cũng chỉ là sự hỗ trợ tức thời, không mang giá trị lâu dài. Để thay đổi, cần đánh vào nhận thức của trẻ em thông qua giáo dục, mà phương tiện đơn giản nhất chính là sách và giáo dục. Hy vọng văn hóa đọc và những lớp học kĩ năng mềm sẽ truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ về những chân trời mới và cuộc sống muôn màu ngoài kia”. Nhìn những đứa trẻ mân mê cuốn sách và đôi mắt lóe sáng với những trang giấy đầy màu sắc, Nguyễn Văn Nhã như thấy lại được tuổi thơ của mình.
Trước khi về rừng, Nhã là kỹ sư tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc ham thích khám phá những vùng đất mới và sống hòa nhập với thiên nhiên đã đưa cậu đến với ngành du lịch. Hiện nay, công ty của Nhã khai thác các dự án du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng để du khách được trực tiếp trải nghiệm cuộc sống mới mẻ của văn hóa người Chu Ru. Các tour cắm trại, chèo thuyền, đi bộ xuyên rừng… với sự tham gia của người đồng bào địa phương cũng là một phần mục tiêu mà Nhã mong muốn duy trì để đem lại việc làm và thu nhập cho người dân.
“Du lịch thực sự sẽ mang lại nhiều giá trị cho một vùng đất, cho con người. Người dân địa phương cũng tham gia và được hưởng lợi từ đây, như việc tham gia dẫn tour giúp du khách khám phá vẻ đẹp và những điều bí ẩn của núi rừng mà khó ai có thể làm tốt hơn họ. Trẻ em trở nên dạn dĩ, chủ động chào hỏi, nói chuyện với những người khách phương xa. Mình nhận được giá trị ở đây thì mình cũng bù đắp lại những giá trị cho cộng đồng”, Nhã tâm sự.
HỒNG THẮM