Bữa ăn học đường cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam

05:05, 10/05/2021

Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị...

Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị. Nhận thức được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ, Vụ Giáo dục thể chất được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chủ trì triển khai mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên tại Việt Nam” với mục tiêu nhằm cải thiện tầm vóc qua các thế hệ cho trẻ em Việt Nam.
 
Bữa ăn được xây dựng theo mô hình điểm tại Trường Tiểu học Lê Lợi
Bữa ăn được xây dựng theo mô hình điểm tại Trường Tiểu học Lê Lợi
 
Bắt đầu từ tháng 8/2020 đến hết tháng 5/2021, mô hình trên được triển khai tại 10 tỉnh, thành với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Điều phối Đề án 641, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh, Đại học Vinh.
 
Mục tiêu hướng tới của mô hình chính là thông qua can thiệp dinh dưỡng sớm bằng cách xây dựng bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng song song với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và kết hợp hoạt động thể lực nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây, phát triển trí tuệ và tầm vóc của trẻ em, học sinh.
 
Mô hình được thí điểm cho học sinh mẫu giáo và tiểu học tại 10 tỉnh, thành đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau, bao gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, An Giang và Lâm Đồng.
 
Trong thời gian gần một năm, mô hình sẽ tiến hành hàng loạt các hoạt động như điều tra, khảo sát, tập huấn nâng cao năng lực về tổ chức bữa ăn, xây dựng thực đơn cho nhân viên bếp và cán bộ phụ trách bữa ăn bán trú. Cùng với đó, là các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho cán bộ và nhân viên nhà trường được chọn làm thí điểm; hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi. Mô hình cũng sẽ tập trung can thiệp thực đơn bữa ăn học đường và các bài tập, trò chơi để nâng cao thể lực; khảo sát, đánh giá cơ sở vật chất và đề xuất cải tiến; tổ chức gặp gỡ phụ huynh thông qua hội thảo nhằm truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm và hoạt động thể lực phù hợp để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
 
Qua quá trình khảo sát, các đơn vị và chuyên gia dinh dưỡng, y tế đã xây dựng được 4 bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng phù hợp với hai nhóm tuổi: 2 bộ thực đơn Thu - Đông (gồm 20 thực đơn/bộ); 2 bộ thực đơn Xuân - Hè (gồm 20 thực đơn/bộ) dựa trên ẩm thực vùng miền và ưu tiên nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Song song với vấn đề dinh dưỡng, mô hình cũng đã cung cấp cho các trường 2 nhóm bài tập tăng cường hoạt động thể lực phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho trẻ.
 
GS.TS Bùi Thị Nhung - Đại diện Ban Điều hành của mô hình cho biết: “Mô hình bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực được tiến hành một cách khoa học, bài bản, chắc chắn sẽ giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực góp phần quan trọng trong việc cải thiện thể lực và trí lực trẻ em, học sinh. Kết quả của nghiên cứu từ mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoan 2011-2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai”.
 
Tại Lâm Đồng, Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Đà Lạt) là trường được chọn để xây dựng mô hình thí điểm. Ở giai đoạn đầu, Ban điều hành Mô hình điểm đã tổ chức tập huấn cho nhân viên dinh dưỡng, đơn vị đồng hành hỗ trợ cung cấp một phần các dụng cụ bếp ăn trên cơ sở khảo sát và thống nhất với nhà trường các dụng cụ cần thiết như: Máy rửa chén chuyên dụng, máy thái rau củ quả, máy xay thịt, bàn sơ chế thức ăn, khay ăn inox, bàn chậu rửa, bộ dao và thớt, xe đẩy thức ăn chuyên dụng để hỗ trợ nhân viên bếp; dụng cụ luyện tập thể dục thể thao chuyên dụng theo yêu cầu của chuyên gia; hỗ trợ bổ sung chi phí và sữa chữa bảo đảm thực hiện bộ thực đơn chỉ định theo nghiên cứu của chuyên gia.
 
Bữa ăn của học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Lê Lợi bao gồm một bữa chính (đáp ứng 30-40% nhu cầu năng lượng/ngày) và một bữa phụ (đáp ứng 5-10% nhu cầu năng lượng/ngày). Thực đơn của các em được cân đối về tỷ lệ chất đạm, chất béo, chất đường bột. Sử dụng hợp lý lượng đường, muối cho từng món ăn. Bữa ăn học đường đảm bảo tính khoa học, cân đối, phối hợp nhiều thực phẩm, đa dạng các món ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp với trẻ em. Theo đó, bữa trưa có trên 10 loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể; bữa phụ sử dụng sữa và chế phẩm sữa để cải thiện khẩu phần canxi.
 
Tại các bữa ăn ở trường thí điểm, các chuyên gia cũng hướng dẫn hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích...) và các thực phẩm không thân thiện (nước ngọt, bánh ngọt...). Các món rau, củ được chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ, tập cho trẻ ăn đa dạng các loại rau củ và các thực phẩm theo tháp dinh dưỡng hợp lý. Thực đơn phần lớn đã bổ sung thêm các món rau xào/luộc để tăng thêm định lượng khẩu phần rau, củ cho trẻ.
 
Cùng với việc triển khai thí điểm bộ thực đơn, Ban điều hành đã triển khai hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ thông qua các bài học về môi trường xung quanh, giới thiệu các món ăn để giúp trẻ nhận biết về thực phẩm và nhóm thực phẩm, món ăn, vai trò của các nhóm thực phẩm đối với sức khỏe. Việc rèn luyện thể chất cũng được triển khai đồng bộ theo giáo trình của chuyên gia. Trẻ em mầm non và tiểu học được khuyến cáo duy trì hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày.
 
Mô hình điểm do Bộ GDĐT xây dựng nhằm thực hiện Đề án 41 của Chính phủ vì mục tiêu cải thiện dinh dưỡng người Việt, vì sức khỏe cộng đồng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của Tập đoàn TH, một trong những đơn vị khởi xướng mô hình “Dinh dưỡng người Việt”. Đây là đơn vị đầu tiên ký cam kết đồng hành lâu dài với Bộ GDĐT để thực hiện các chiến lược dinh dưỡng với tầm nhìn “Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển giống nòi của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”.
 
ĐĂNG LỘ