Những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển nhanh; việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ được các tổ chức, cá nhân quan tâm, nhất là đăng ký nhãn hiệu mang tính sở hữu cộng đồng như nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gắn với các đặc sản của địa phương.
Những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển nhanh; việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ được các tổ chức, cá nhân quan tâm, nhất là đăng ký nhãn hiệu mang tính sở hữu cộng đồng như nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gắn với các đặc sản của địa phương.
|
Chuối Laba Đạ K’Nàng dần khẳng định thương hiệu |
Với lợi thế về nông nghiệp và du lịch, các sản phẩm thế mạnh của Lâm Đồng chủ yếu là nông, lâm sản và dịch vụ, nên việc hỗ trợ phát triển nhãn hiệu gắn với địa danh có nhiều ý nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành đăng ký 26 nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ đối với 23 nhãn hiệu (15 nhãn hiệu chứng nhận; 8 nhãn hiệu tập thể), 3 nhãn hiệu đã nộp đơn cấp văn bằng bảo hộ. Nhiều nhãn hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như: Lúa gạo Cát Tiên, Nếp quýt Đạ Tẻh, Sầu riêng Đạ Huoai, Trà B’Lao, Tơ lụa Bảo Lộc, Cà phê Di Linh, Rau - hoa Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt, Chuối Laba Đạ K’Nàng... Việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài đối với thương hiệu đặc trưng thế mạnh cũng được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm thực hiện. Ngành đã hỗ trợ thành phố Đà Lạt đăng ký nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” tại thị trường Trung Quốc và Singapore; hỗ trợ Bảo Lộc đăng ký nhãn hiệu “Trà B’Lao” tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và đã được bảo hộ độc quyền; trong năm 2020, đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” bảo hộ độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Từ đó, đã nâng cao giá trị nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu các sản phẩm, thay đổi đời sống của người dân vùng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh được cấp ủy quyền sử dụng các nhãn hiệu đã xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, qua đó công việc kinh doanh ngày càng ổn định và phát triển, đảm bảo khối lượng nông sản cung cấp cho đối tác đúng chất lượng, thời gian cam kết, bước đầu đã khẳng định giá trị thương hiệu. Một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu đã được xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Điển hình của một số nhãn hiệu nổi bật như: Nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” được chứng nhận năm 2016, UBND huyện Đạ Huoai đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 397 hộ nông dân các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác với diện tích 507,7 ha trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, được bán tại các cửa hàng nông sản sạch với giá cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại. Đến nay, Đạ Huoai đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc Sầu riêng Đạ Huoai, cung cấp cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu 822.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc, đã cấp 48.200 tem dán trái cây cho 74 hộ thuộc 7 tổ hợp tác. Sản phẩm thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đáp ứng với yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe; giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm và dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm bằng phần mềm quét mã QR qua ứng dụng Zalo, Agricheck...
Nhãn hiệu “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh” được chứng nhận ngày 15/11/2016, UBND huyện Đạ Tẻh đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xanh Việt Nam và HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tâm. Hai đơn vị này đang thu mua toàn bộ sản lượng nếp quýt của huyện. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc sản xuất gạo nếp quýt Đạ Tẻh có những chuyển biến rõ rệt cả về quy mô và chất lượng như: sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tiến đến sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường. Diện tích sản xuất không ngừng được mở rộng, năm qua, huyện Đạ Tẻh đã sản xuất hơn 1.200 ha (tăng hơn gấp đôi so với 2016), trong đó có 827 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 12,8 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Huyện đã chú trọng việc khôi phục lại giống lúa nếp quýt về đúng gốc nguyên bản cho hạt gạo dẻo, thơm.
Nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp bằng bảo hộ vào cuối năm 2017. Đến nay, Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 392 tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và các huyện phụ cận; trong đó, 318 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm hoa; 41 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm rau; 23 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm cà phê Arabica; 10 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm du lịch canh nông. Giá trị thương mại của các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng cao, được nhiều người biết đến.
ThS Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Khoa học và công nghệ tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế tài chính, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của địa phương. Hỗ trợ các huyện, thành xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sử dụng yếu tố địa danh cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh; đăng ký xác lập quyền ra nước ngoài đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm chủ lực, đặc thù riêng của tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng thế mạnh, nhằm bảo vệ danh tiếng và thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ.
Q.UYỂN