Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng nhìn từ Nghị quyết 13

04:05, 25/05/2021

Nghị quyết số 13, ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy về "Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo  tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo"...

Nghị quyết số 13, ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo” là sự tiếp nối và phát triển từ thực tiễn địa phương sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương và Chương trình hành động số 74 của Tỉnh ủy. 
 
Bài 1: Thực tiễn là đích tới và thước đo
 
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, chất lượng, hiệu quả GDĐT của tỉnh Lâm Đồng từng bước nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất.
 
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy làm việc tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
Đoàn giám sát của Tỉnh ủy làm việc tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
 
Từng bước đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới 
 
Nhìn nhận khái quát từng mặt, cho thấy tinh thần của Nghị quyết 13 đã thực sự thấm vào cuộc sống và đang ngày càng được lượng hóa rõ nét. Đó là chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả khá tốt; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) vững vàng về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt và trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nâng theo yêu cầu mới. Quy mô trường lớp ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của Nhân dân. Cùng đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Đội ngũ ngành GDĐT đồng thời phát triển cả về chất lượng và số lượng để cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện. 
 
Minh chứng những nhận định trên, thuyết phục hơn có thể nêu một vài số liệu từ Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cung cấp. Toàn ngành có 22.915 CBQL, giáo viên và nhân viên. Ngành và các giáo viên đang tích cực với các giải pháp để nâng đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu mới. (Theo tiêu chí cũ thì các bậc học đã đạt chuẩn từ 99,8% đến 100%). Tỷ lệ đảng viên ngành GDĐT đạt 38,25%. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, Lâm Đồng đang hoàn thiện theo hướng đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt dạy và học, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Tổng kinh phí thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, xây mới, mua sắm trang thiết bị dạy học, đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đội ngũ GDĐT toàn tỉnh trong 2 năm 2019 và 2020 là trên 2.121 tỷ đồng...
 
Nhiều mục tiêu đạt được
 
Đối chiếu những định hướng và chỉ tiêu từ Nghị quyết 13 đặt ra, đến nay, ngành GDĐT Lâm Đồng đạt được nhiều thành quả hết sức trân trọng. Đây là công sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chăm lo “sự nghiệp trồng người”. Ở giáo dục mầm non (MN), 100% xã, phường, thị trấn có trường mẫu giáo hoặc MN; 100% xã có trường MN công lập. Trường lớp MN từng bước được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 2 tuổi tới nhà trẻ so với trong độ tuổi đạt 30,18%; trẻ đi học mẫu giáo so với trong độ tuổi 3 đến 5 tuổi đạt 86,6%; số trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 100%. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng nâng cao, 100% trường có tổ chức bán trú; 100% trẻ được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ được khám sức khỏe và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 3,9%, giảm 0,62% và thể thấp còi 4,8%, giảm 0,38% so với cùng kỳ năm học trước. Toàn tỉnh đã có 80,46% trường MN công lập đạt chuẩn quốc gia.
 
Lâm Đồng đến nay đã đạt 99,8% trẻ em trong độ tuổi học tiểu học; 99,96% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đến trường. Giáo dục tiểu học còn đạt những con số rất phấn khởi như: duy trì 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 100% huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 3 và tỉnh đạt chuẩn phổ cập mức độ 3. Đối với giáo dục trung học, một trong những thành tích ổn định là thi tốt nghiệp THPT hàng năm đảm bảo an toàn, trung thực, đúng quy chế và kết quả đều ở mức xếp đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên; năm sau cao hơn năm trước (năm 2020 đạt 99,54%, tăng 2,07% so với năm 2019 (97,47%)… Ngành GDĐT Lâm Đồng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động dạy và học, triển khai hồ sơ, sổ sách điện tử trên hệ thống phần mềm vnEdu đối với cấp học phổ thông từ năm học 2020 - 2021…
 
Đánh giá thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp
 
Những số liệu trên cho thấy kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 13 có nhiều điểm sáng. Đối với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 13, Đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghị quyết này (do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định) có nhiều đánh giá và ghi nhận. Đó là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể, Nhân dân trong việc phát triển sự nghiệp GDĐT theo hướng bền vững. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục gắn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên triển khai chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó còn là, triển khai mô hình trường học mới, lớp học thông minh, tiến tới quy hoạch tổng thể hệ thống trường học thông minh phù hợp với Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Tạo điều kiện và phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn phát triển ngang tầm khu vực và của cả nước, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, du lịch, xã hội nhân văn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp GDĐT. 
 
(CÒN NỮA)
 
MINH ĐẠO