Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng nhìn từ Nghị quyết 13 (bài 2)

05:05, 26/05/2021

Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng nhiều năm giữ vững lá cờ đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nhưng không tự bằng lòng, mà hơn thế, phấn đấu hướng đến những vị trí tầm cao hơn...

[links()]
 
Bài 2:  Hướng đến nền giáo dục hội nhập quốc tế 
 
Giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng nhiều năm giữ vững lá cờ đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nhưng không tự bằng lòng, mà hơn thế, phấn đấu hướng đến những vị trí tầm cao hơn. Đây là “đặt hàng” của lãnh đạo tỉnh và cũng là tính phù hợp với yêu cầu của giáo dục phổ thông mới đặt ra.  
 
Trường THPT Trần Phú đạt chất lượng giáo dục cấp độ 3 nhưng hội nhập quốc tế vẫn là khó khăn
Trường THPT Trần Phú đạt chất lượng giáo dục cấp độ 3 nhưng hội nhập quốc tế vẫn là khó khăn
 
Vượt qua những lực cản 
 
Như phần trước đã khái quát, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy, chất lượng, hiệu quả GDĐT Lâm Đồng nâng lên rõ nét, quy mô giáo dục tiếp tục củng cố, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của Nhân dân trong tỉnh. Nhiều thành tựu phấn khởi như phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, phổ cập giáo dục mầm non (MN) 5 tuổi; đổi mới quản lý giáo dục; xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia; sự lớn mạnh về đội ngũ làm giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục tăng cường… Hàng năm, ngành GDĐT Lâm Đồng đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua của Bộ GDĐT, nhiều chỉ tiêu đạt xuất sắc 5 năm qua và liên tục nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT. Năm 2018, ngành GDĐT Lâm Đồng đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; và Sở GDĐT hàng năm thuộc nhóm các đơn vị dẫn đầu của 20 sở, ngành về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính...
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn còn những hạn chế và khuyết điểm. Đầu tháng 5, thực hiện Quyết định số 261-QĐ/TU, ngày 30/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU đã làm việc với Đảng ủy Sở GDĐT, một số trường học trên địa bàn tỉnh và Huyện ủy Đức Trọng. Những hạn chế và khuyết điểm mà Đoàn nêu lên là: Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn chưa đạt theo yêu cầu; một số trường chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Một số cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp quản lý và dạy học; cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở bậc học tiểu học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GDĐT; xã hội hóa, hỗ trợ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và CBQL giáo dục còn nhiều khó khăn (đặc biệt đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). 
 
Nguyên nhân hạn chế có khách quan và chủ quan. Cơ sở vật chất các trường MN thiếu phòng học do qui định mới về trình độ của chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT). Tổ chức bán trú tại các lớp mẫu giáo lẻ ở vùng khó khăn gặp nhiều bất cập do thiếu cơ sở vật chất. Mặt khác, trình độ quản lý của cán bộ các đơn vị giáo dục chưa đồng đều, một số chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới. Rõ nhất ở mặt khách quan là giáo dục hướng nghiệp. Trong đó, nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội còn hạn chế; thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới; cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.
 
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Chính Thành
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Chính Thành
 
Chất lượng cao và hội nhập quốc tế 
 
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy, Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải đã nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhà nước; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; phát triển đội ngũ, công tác giáo dục học sinh; phân luồng học sinh; đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát… Thành viên tham gia Đoàn giám sát của Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc phân tích khá nhiều vấn đề. Trong đó, đối với mạng lưới cơ sở giáo dục, theo ông Ngọc: “Tỉnh cần dành quỹ đất để kêu gọi xây dựng các trường tư thục chất lượng cao, trường phổ thông nhiều cấp học. Không nên chuyển các trường công lập ra tư thục vì sẽ gây nên nhiều hệ lụy khó khăn cho giáo viên và học sinh”. Về xây dựng đội ngũ CBQL và nhà giáo, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc nhấn mạnh: “Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, người vi phạm phẩm chất và đạo đức của nhà giáo. Mặt khác, khuyến khích CBQL giáo dục đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”. 
 
Trao đổi thêm với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GĐĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long nhấn mạnh đến mấy vấn đề mang tính đột phá của ngành nhiệm kỳ này. Trước hết là hướng tới nền giáo dục hội nhập quốc tế. Theo đó, phải có kế hoạch đào tạo nguồn nhà giáo đáp ứng được yêu cầu, cụ thể như kỹ năng về công nghệ số (giáo viên phải đạt được chuẩn quốc tế, chuẩn MOS và ngoại ngữ). Mặt khác, cần mở nhiều trung tâm để đào tạo kỹ năng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo cho học sinh. “Lâm Đồng cũng phải phấn đấu để có được ít nhất một vài trường mang tầm cỡ quốc tế hoặc là chất lượng cao ở các địa bàn”, ông Long nói. Vấn đề xã hội hóa, Phó Giám đốc Huỳnh Quang Long cho rằng, để giáo dục phát triển không thể trông chờ vào nguồn lực Nhà nước mà cần huy động từ phía xã hội. Do đó cần có cơ chế phù hợp để kêu gọi đầu tư. Một nội dung cũng hết sức quan trọng trong phát triển GDĐT thời gian tới là các cấp ủy chú trọng đến củng cố và phát triển hệ thống trường chuẩn theo tiêu chuẩn mới. Đây là biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng đó là, cần có cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên thỏa đáng hơn… 
 
MINH ĐẠO