Gần 20 năm rời mảnh đất N'Thol Hạ và Phú Hội để xây dựng cuộc sống mới theo dự án giãn dân, giờ đây, bà con người Cill ở mảnh đất Đa Quyn...
Gần 20 năm rời mảnh đất N’Thol Hạ và Phú Hội để xây dựng cuộc sống mới theo dự án giãn dân, giờ đây, bà con người Cill ở mảnh đất Đa Quyn (huyện Đức Trọng) đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ở đó, người lớn chăm lo làm kinh tế, còn trẻ con lớn lên đã bớt những thiếu thốn, thiệt thòi.
|
Nhiều người dân ở Đa Quyn đang dần chuyển đổi sang trồng các loại rau thương phẩm |
Xã Đa Quyn được tách ra từ xã Tà Năng vào năm 2009, là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng. Tổng số hộ dân thường trú của xã tính đến tháng 3/2021 là 1.261 hộ, 5.347 khẩu, với 8 dân tộc cùng sinh sống bao gồm Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Cơ Ho, Chu Ru, Ê Đê, Rắc Lây. Trong đó, hơn 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã chỉ mới thành lập 12 năm, nhưng những người từ N’Thol Hạ, Phú Hội đã di giãn dân vào đây và gắn bó với mảnh đất này từ năm 2003, 2004. Họ sinh sống tập trung thành 4 cụm tại 4/6 thôn của xã: Toa Cát, Tân Hạ, Ma Bó và Chơ Ré. Từ hơn 200 hộ ban đầu, bây giờ, con số đó ước chừng đã tăng gần như gấp đôi. Chị Ka Să K’Uy - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chơ Ré, chia sẻ: Điều đáng mừng là không có nhiều người đòi quay về làng cũ. Được Nhà nước hỗ trợ nhà và đất sản xuất, bà con mang tâm thế hài lòng và yên tâm để chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.
“Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, người dân chủ yếu làm thuê làm mướn, hoặc trồng bắp, trồng đậu, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Rất ít người trồng được cây cà phê. Bây giờ thì người dân đã bắt đầu học tập kinh nghiệm, chuyển đổi dần sang trồng rau màu nên thu nhập khá hơn. Nhờ đó mà cuộc sống của bà con đã dần ổn định” - chị K’Uy cho biết.
Bộ mặt nông thôn chưa được khang trang và đầy đủ như ở thôn Chơ Ré, nhưng những hộ thuộc cụm giãn dân ở thôn Tân Hạ vẫn thấy tạm bằng lòng với cuộc sống của mình. Bởi như chia sẻ của chị Cil K’Hạnh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Hạ, những ngày đầu điện, đường, trường, trạm còn hạn chế. Bây giờ thì cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và quá trình xây dựng nông thôn mới, mọi thứ đã đầy đủ hơn. Mới đây, bà con thôn Tân Hạ còn tự đóng góp để xây dựng công trình Thắp sáng đường quê.
Là địa phương còn khó khăn, xã Đa Quyn đã nhận được nhiều chương trình, dự án liên quan đến chính sách cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước thay đổi nhận thức của bà con nơi đây.
Chị Ka Să K’Huêll - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho biết, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 2018 đến nay. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Đa Quyn đạt 38,7 triệu đồng. Hiện, UBND và các đoàn thể trong xã vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại rau màu, liên kết với doanh nghiệp để ổn định giá và nâng cao thu nhập. Đồng thời, lồng ghép các chương trình để giúp đỡ hộ nghèo như các mô hình khuyến nông, nhận khoán bảo vệ rừng,... Phấn đấu đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng.
Nhờ chăm chỉ học hỏi từ những ngày làm thuê làm mướn, hơn 3 năm nay, anh Ya Bi (thôn Tân Hạ) đã chuyển diện tích trồng bắp của mình sang trồng cà phê và các loại lagim. Tổng diện tích đất hơn 1 ha, vợ chồng anh đang trồng hơn 1 sào ớt đỏ. Dịch bệnh khiến thời điểm hiện tại, giá cả nông sản không được như mong muốn, nhưng Ya Bi bảo rằng có lúc này lúc khác, miễn sao mình chăm chỉ làm ăn thì trời không phụ lòng người.
“Nhìn tổng thể thì cuộc sống của bà con giãn dân hiện đã tạm ổn định. Bây giờ, hầu hết dịch vụ cần thiết đều đã vào tới nơi, bà con lại được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ phát triển đã nối gần khoảng cách giữa vùng sâu với trung tâm huyện. Điều quan trọng và đáng mừng nhất là nhận thức của bà con đã tăng lên rất nhiều” - Phó Chủ tịch K’Huêll chia sẻ.
K’Huêll chỉ ngay vào hàng cây xà cừ tỏa bóng mát trên những con đường liên xóm được đổ bê tông khang trang - là hàng cây đã lớn lên, gắn bó và chứng kiến sự đổi thay cùng bà con thôn Chơ Ré để khẳng định: Sự đổi thay đã thấy rõ ở cảnh quan môi trường, hiện diện rõ trước mắt của mỗi người. Tất cả được xây dựng từ ý thức và sự chung sức của bà con nơi đây. Đời sống của người dân ngày càng cải thiện, bộ mặt của địa phương cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tháng 8/2018, xã Đa Quyn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang trên đường xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ở xã Đa Quyn, người dân gốc là dân tộc Chu Ru, còn người giãn dân thuộc dân tộc Cill. Qua thời gian, khoảng cách và sự khác biệt về văn hóa dần được xóa bỏ. Họ ở cạnh nhau, giao lưu văn hóa và đoàn kết với tình làng nghĩa xóm để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đã có những chàng trai Chu Ru nên duyên cùng cô gái Cill và ngược lại, như vợ chồng Ya Bi. Hạnh phúc được gieo trồng nơi vùng đất mới, nay những “hạt giống” được nảy mầm và cuộc sống tiếp tục sinh sôi.
VIỆT QUỲNH