(LĐ online) - Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
(LĐ online) - Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng ,tham dự hội nghị có ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Sở Y tế và Công đoàn ngành y tế, các phòng, ban chuyên môn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị, Bộ Y tế nêu một số tồn tại trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Cụ thể: Công tác chỉ đạo điều hành, triển khai của địa phương còn hình thức, chưa đi vào thực chất; chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19, phương án đáp ứng khi có nhiều người lao động mắc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp và tổ chức diễn tập; việc phổ biến, tập huấn, đánh giá nguy cơ mới chỉ có 5-10% cơ sở thực hiện; chưa kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp dẫn đến nhiều địa phương còn lúng túng khi có ca bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ ra tồn tại trong công tác phòng chống dịch của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp như: Chưa thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hoặc thiếu thành phần y tế, công đoàn; chưa có phân công nhiệm vụ cụ thể; chưa xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc hoặc xây dựng chưa đúng quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCDQG của Ban Chỉ đạo quốc gia. Người làm công tác y tế chưa được tập huấn về phòng chống dịch Covid-19; công tác y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 chưa đảm bảo (phân luồng, cách ly y tế tạm thời, quản lý sức khỏe người lao động); chưa tập huấn phòng chống dịch Covid-19 và khai báo y tế cho người lao động; chưa thực hiện đầy đủ 5K tại nơi làm việc; chưa phân công người kiểm tra, giám sát phòng chông dịch Covid-19; chưa tổ chức ký cam kết phòng chống dịch Covid-19 đối với các công ty đối tác (cung cấp nguyên vật liệu, thực phẩm). Bố trí bếp ăn, phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19; vệ sinh, khử khuẩn chưa thực hiện theo đúng quy định; thông khí nhà xưởng chưa đảm bảo; chưa giám sát được lịch trình di chuyển của người lao động ở trọ.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra những tồn tại ở các ký túc xá, nhà trọ người lao động: Chủ nhà trọ, ký túc xá và người lao động ở trọ chưa tự khai báo y tế; còn thiếu tài liệu tuyên truyền cho người lao động; chưa ký cam kết giữa chủ nhà trọ, ký túc xá và chính quyền địa phương về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19; vệ sinh, khử khuẩn đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ, đúng cách; vẫn còn hiện tượng tụ tập đông người, không đeo khẩu trang; chưa có sự kiểm tra thường xuyên về công tác phòng chống dịch Covid-19 của chính quyền địa phương.
Từ thực tế đó, Bộ Y tế kiến nghị các địa phương: Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp, bao gồm phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 và tổ chức diễn tập. Tổ chức tập huấn, phổ biến các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Phối hợp liên ngành Sở Y tế, Công đoàn, Ban Quản lý Khu công nghiệp, Sở Công thương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong triển khai phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Căn cứ vào đánh giá nguy cơ để cho phép hoạt động hoặc dừng hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại ký túc xá, nhà trọ người lao động.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 và đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc, ký túc xá. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 thông qua bộ chỉ số nhằm xác định các mức độ nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khắc phục, phòng chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Đối tượng áp dụng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc (không bao gồm quy mô sản xuất, kinh doanh hộ gia đình).
Bộ Y tế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các sở, ban, ngành liên quan, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp triển khai thực hiện. Trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ, giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo công tác phòng chống dịch. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Người sử dụng lao động đánh giá nguy cơ 2 tuần/lần, thực hiện các biện pháp khắc phục (nếu có).
AN NHIÊN