Trận chiến ở núi B'Trú

06:05, 01/05/2021

Từ trung tâm xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) chạy xe dọc Tỉnh lộ 725 theo hướng Lộc Bắc đi huyện Đạ Tẻh khoảng 4 cây số,...

Từ trung tâm xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) chạy xe dọc Tỉnh lộ 725 theo hướng Lộc Bắc đi huyện Đạ Tẻh khoảng 4 cây số, chúng ta sẽ thấy ngọn núi B’Trú cao sừng sững, nơi xưa kia đã diễn ra những đợt pháo kích của ta khiến máy bay địch không thể cất cánh, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Một công trình nước sạch do Ban Chỉ đạo 502 tặng người dân xã Lộc Bắc
Một công trình nước sạch do Ban Chỉ đạo 502 tặng người dân xã Lộc Bắc
 
Theo ông Trần Ngọc Biên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, với việc ký Hiệp định Paris, Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo ra lợi thế so sánh về lực lượng để tiếp tục thực hiện tiếp mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại chiến trường tỉnh Lâm Đồng (cũ), từ năm 1973 đến đầu năm 1975, quân địch tuy còn đông nhưng tinh thần thì hoang mang dao động cực độ, vì chúng liên tục nghe tin ngụy quân liên tiếp thất bại trên khắp chiến trường Tây Nguyên. Ở vùng đất Bảo Lâm và Bảo Lộc, sau 2 năm đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, cũng như chiến đấu chống địch càn lấn đất và dồn dân, quân ta không những giữ vững địa bàn, mà còn mở rộng vùng giải phóng, lực lượng không ngừng tăng cường. Ngày 10/3/1975, tại căn cứ Bắc đường 20, Huyện ủy K1 (tỉnh Lâm Đồng) nhận chỉ thị của Quân ủy Quân Khu VI chuẩn bị mở chiến dịch tiến công thị xã B’Lao.
 
Tỉnh ủy Lâm Đồng (cũ) giao Huyện ủy K1 làm mới một số tuyến đường để phục vụ chiến dịch, đặc biệt là mở rộng, sửa chữa tuyến đường từ dốc Con Ó (Đạ Tẻh) đến núi B’Trú. Trong vòng 1 tuần lễ, ta đã huy động toàn bộ dân công các xã 1, 2, 3 và 7 của căn cứ Bắc (nay là hai xã Lộc Bắc và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) phối hợp với lực lượng cơ giới Ban Kinh tài tỉnh Lâm Đồng (cũ) hoàn thành tuyến đường dài 32 km, đồng thời kéo 2 khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn pháo từ dốc Ma Thiên Lãnh (Đạ Huoai) đến đồi B’Trú. Trong 2 tuần lễ chuẩn bị chiến dịch tiến công thị xã B’Lao, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân xã Lộc Bắc đã huy động toàn bộ số lượng lúa, thóc có trong đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả lúa giống, để chị em phụ nữ giã gạo, phục vụ chiến trường. 
 
Đêm 27, rạng sáng 28/3/1975, tại núi B’Trú, 2 khẩu pháo 130 ly đã dồn dập bắn vào sân bay tiểu khu, tòa hành chính ngụy thị xã B’Lao. Những đợt pháo kích chính xác của ta làm cho máy bay địch không cất cánh được và hệ thống phòng ngự của địch bị tê liệt hoàn toàn. Trong thời gian đó, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng (cũ), Huyện ủy K1 phối hợp Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tấn công giải phóng thị xã B’Lao, ngày 28/3, góp phần giải phóng Đà Lạt, ngày 3/4, và giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 30/4. 
 
“Với những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Bắc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm Trần Ngọc Biên cho biết. “Truyền thống anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Lộc Bắc phát huy, bên cạnh tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh. Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương phát triển, nâng cao mức sống cho người dân, tích cực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sớm đưa xã Lộc Bắc trở thành xã nông thôn mới”, ông K’Tư, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc, nói thêm.
 
TRIỀU KA