Vận đã đủ Khéo để Dân nghe

06:05, 31/05/2021

(LĐ online) - Sự thay đổi với tốc độ chậm của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thật sự không thể tìm một lý do nào khác để đổ lỗi, ngoài sự thiếu tận tâm và năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ cơ sở, những người gần dân nhất. 

[links()]
 
Bài 3: Chuyện kể cho những hy vọng 
 
(LĐ online) - Sự thay đổi với tốc độ chậm của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh thật sự không thể tìm một lý do nào khác để đổ lỗi, ngoài sự thiếu tận tâm và năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ cơ sở, những người gần dân nhất. 
 
Dự án Cao su trên đồi đất đỏ giúp người dân thôn 8 xã Mỹ Đức có thu nhập ổn định
Dự án Cao su trên đồi đất đỏ giúp người dân thôn 8 xã Mỹ Đức có thu nhập ổn định
 
Sẽ không thừa khi nhắc lại câu chuyện Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù với mỗi cán bộ công chức đã có thể nằm lòng dưới mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc trong “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” diễn ra xuyên suốt từ nhiều năm nay.
 
Trong bài “dân vận”, lần đầu tiên đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp phần thành lực lượng toàn dân, để thực hiện thành công việc nên làm, những công việc không nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” Tư tưởng  ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã một lần nữa khẳng định cho quan điểm của Bác “Khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
 
Mục tiêu cao nhất của công tác Dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là vì dân. Công tác ấy, tưởng như đơn giản, dễ làm, nhưng trên thực tế có nhiều nơi vẫn chưa thực hiện thành công. Nhịp điệu phát triển của mảnh đất Nam Tây Nguyên vẫn còn những nốt lạc, như sự chậm phát triển của một số vùng đồng bào DTTS, của những cộng đồng dân cư không nỗ lực thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu như đã nêu ở những phần trước là một minh chứng cụ thể.
 
Không khó để chỉ ra nguyên nhân ở tầm khái quát tổng thể: Đó là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và thực hiện tốt về dân vận; một số cán bộ làm công tác dân vận còn hạn chế về trình độ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, chưa có sự chủ động trong tham mưu, nghiên cứu việc triển khai các văn bản về công tác dân vận ...Hay như cơ chế phối hợp hoạt động của một số cơ quan trong hệ thống chính trị về công tác dân vận chưa đồng bộ; công tác phối hợp, nắm bắt tình hình Nhân dân chậm đổi mới, chưa sâu sát; MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở chưa có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.
 
Nhưng với những người dân nghèo, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cái họ cần đâu phải là hình ảnh người cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hoàn thành báo cáo theo đúng định hạn. Cái họ cần là những bàn chân biết lội xuống ruộng vườn, biết xắn tay áo đỡ đần, hơn hết là một trái tim biết đồng cảm và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; có đủ tri thức để tận tường, rành rọt những đúng sai để họ thấu hiểu và làm theo.
 
Chúng tôi - những người viết báo luôn hạnh phúc với những số phận là người đồng bào DTTS biết vượt qua những thiếu thốn, mặc cảm để vươn lên thay đổi đời sống khốn khó của họ. 
 
Sẽ chỉ là những câu chuyện nhỏ trong vô vàn những câu chuyện chúng tôi đã từng kể trong công việc hàng ngày của mình. Nhưng biết đâu, trong những cuộc đời, trong những cái tên lại chứa đựng trong đó những bài học thú vị để những người làm công tác dân vận ở cơ sở có thể tìm được cho mình câu trả lời phù hợp.
 
Câu chuyện của Jơ Jê Ha Mi, người đầu tiên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đa Kao 1 (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) là người tiên phong trong việc trồng rau sạch không chỉ cung ứng cho thị trường trong huyện mà còn tới các xã giáp ranh của huyện Lắk cho tới nay vẫn là một câu chuyện đẹp, tựa như kết cấu của một câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu.
 
Vài năm trước, Ha Mi cũng là một người nghèo trong thôn nghèo có tới 99% bà con người K’ho sinh sống. Vài sào lúa nước, cà phê, bắp ít ỏi luôn khiến cuộc sống của gia đình anh rơi vào bế tắc và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương. Khác với nhiều thanh niên khác ở trong thôn, Ha Mi không chìm đắm trong men rượu, anh trăn trở với cái nghèo, với những bữa cơm thiếu trước hụt sau của gia đình. Với 50 triệu vay được từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách huyện do Đoàn Thanh niên xã quản lý và 30 triệu vay thêm của người thân anh đã đầu tư mua bét tưới, cải tạo vườn để trồng các loại rau thương phẩm trên 8 sào đất của gia đình. Ha Mi với số vốn ít ỏi tạo ra nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng một năm ở mảnh đất Lâm Đồng chưa bao giờ là một câu chuyện lạ. Cái hay ở Ha Mi khiến cho nhiều đồng nghiệp ở làng báo Lâm Đồng tìm về, chính là sự thay đổi của một thanh niên dân tộc thiểu số biết trồng rau, bởi từ trước đến nay bà con trong buôn của Ha Mi chỉ quen miệng với củ măng, đọt mây và rau rừng. Hơn hết, anh cũng là người nhận ra bà con nơi mình sống tiêu thụ nhiều rau, củ, quả mỗi ngày từ nơi khác chuyển đến, giá cả đắt đỏ lại không biết rõ nguồn gốc.
 
Sự thành công của Ha Mi với ý chí và khát vọng vươn lên để thay đổi định kiến đã như một luồng gió mới giúp cho người dân tộc thiểu số của ba xã Đầm Ròn học hỏi làm theo. Hàng trăm hộ đã mạnh dạn phá bỏ đi những diện tích điều, bắp năng suất thấp ở đất bồi ven suối chuyển sang trồng dâu nuôi tằm; trồng ớt, trồng rau theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao gấp 10 lần so với canh tác truyền thống. Vẫn còn hàng trăm hộ nghèo ở “tâm nghèo” Nam Tây Nguyên này, những người như Ha Mi chỉ là số ít, nhưng đó là câu chuyện gần gũi, để bà con mắt thấy tai nghe, và tin tưởng khi biết người đồng bào mình cũng biết làm những thứ như người Kinh vẫn làm.
 
Những ai đã từng gắn bó với với mảnh đất Lâm Đồng, chắc chắn không thể không biết tới địa danh buôn Con Ó (thôn 8 hiện nay) của xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh). Không xa trung tâm huyện, nhưng vài năm trước nhắc tới tên buôn là gợi nhớ đến những mùa giáp hạt, nghèo đói đến xanh xao. Sự thay đổi đời sống của bà con chỉ được bắt đầu khi chính quyền huyện Đạ Tẻh quyết liệt triển khai Dự án Cao su khu vực Đồi đất đỏ gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.
 
Có thể nói đây là một trong những mô hình điểm, thể hiện sinh động nhất sự chăm lo đời sống của Đảng và Nhà nước cho người đồng bào DTTS. Đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm đầy quý báu đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Bắt đầu từ năm 2012, mỗi năm, chính quyền huyện đều hỗ trợ kinh phí từ 300 - 400 triệu đồng để giúp người dân tiếp thu được kỹ thuật, tiến hành chăm sóc và khai thác cao su. Cùng với xã, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong huyện đều tổ chức 1-2 đợt công tác dân vận giúp bà con. Chỉ tính riêng từ nguồn thu nhập cao su đã giúp cho người DTTS thôn 8 có từ khoảng 4-6 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định, tâm lý yên tâm đã giúp bà con tích cực sản xuất và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống. Từ mốc 6 triệu đồng của năm 2012, đến nay bình quân đầu người của Buôn Con Ó đã xấp xỉ gần 38 triệu đồng/người/năm. 
 
Thanh niên của các ban, ngành, đoàn thể huyện Đạ Tẻh giúp người dân buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) chăm sóc cao su
Thanh niên của các ban, ngành, đoàn thể huyện Đạ Tẻh giúp người dân buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) chăm sóc cao su
 
Thành công của Dự án cao su trên đồi đất đỏ, không chỉ đem đến thu nhập cho bà con từ những diện tích hoang hóa mà còn đem lại niềm tin giúp người DTTS ở thôn 8 có được nhiều suy nghĩ tích cực, biết vươn lên tự chủ trong lao động sản xuất, thay vì trông chờ vào những nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
 
Trở lại với câu hỏi, làm thế nào để thay đổi thói quen của bà con người đồng bào DTTS, ông Nguyễn Quốc Hương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông bỗng cho tôi một gợi ý: Thay đổi một nếp nghĩ đã hằn sâu cần phải mất rất nhiều thời gian, rất khó với những người đã có tuổi, có lẽ là phải bắt đầu với những thế hệ trẻ, từ những bậc học cơ sở.
 
Giật mình trước chia sẻ đầy trăn trở của ông Hương, tôi chợt nghĩ liệu ngành giáo dục Lâm Đồng, hay ngành giáo dục của mỗi địa phương, từ các cơ quan Tuyên Giáo, Dân Vận đến MTTQ đã từng bao giờ nghĩ đến việc lập ra những kế hoạch có giáo án cụ thể cho từng vùng miền để đưa vào các giờ ngoại khóa giúp các em nhận thức hay chưa? Có lẽ là chưa!
 
Dẫu biết phải chờ đợi, nhưng có lẽ cách tốt nhất để tạo ra sự thay đổi thực sự phải bắt đầu từ những thế hệ tương lai. Giải đáp cho những khúc mắc, thầy Nguyễn Đức Anh - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Đam Rông chia sẻ: “Ở đây, từ các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần đến nói chuyện cuối tuần, hoạt động ngoài giờ hay sinh hoạt ngoại khóa, trực tiếp Ban giám hiệu hoặc các thầy, cô chuyên môn đều hướng dẫn, dạy dỗ các em cách ăn, nói, giao tiếp bằng tiếng kinh. Đặc biệt, chúng tôi cũng giúp các em thay đổi các sinh hoạt theo nề nếp, trực tiếp tham gia lao động để tăng gia sản xuất phù hợp với sức khỏe độ tuổi của các em, để hướng tới mục đích làm cho các em thay đổi tư duy để biết tự lực vươn lên trong cuộc sống khi trưởng thành”. “Nhưng có lẽ ngoài môi trường như nội trú, nơi khác cũng khó để có thể làm được điều này”, thầy Hiệu trưởng buông thõng câu trả lời sau chút an ủi mà tôi vừa đón nhận.
 
Đến cuối năm 2020, theo thống kê Lâm Đồng còn 4.488 hộ nghèo, chỉ chiếm 1,32% số hộ trong toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số đã chiếm tới gần 2.800 hộ. Với những người lạc quan, đây chắc hẳn là những tín hiệu đầy khởi sắc. Nhưng đừng để những con số với tỷ lệ ít ỏi nêu trên đánh lừa cảm giác, bởi đây là khoảng cách không dễ để thay đổi và thực sự là trở ngại lớn trong lộ trình phát triển trở thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước và định hướng chiến lược đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.
 
Tỷ lệ hộ nghèo rồi sẽ giảm theo từng năm, nhưng chắc chắn, cái mốc thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng để không còn là người nghèo không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Một cuộc sống thực sự no ấm đầy những hy vọng và khát khao vươn lên trong từng buôn nhỏ của người đồng bào DTTS mới là mục tiêu tốt đẹp cuối cùng để Đảng bộ, chính quyền và người dân Lâm Đồng hướng tới. Một cuộc sống, không còn những tranh cãi nên cho “cần câu hay con cá”, đó phải là cuộc sống tạo dựng từ mặn ngọt mồ hôi trên chính mảnh đất tươi đẹp này.
 
ĐẶNG TUẤN LINH