Ngày nay, người dân ở bon Kòn Tẻ Srê (Thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) vẫn còn lưu truyền Truyền thuyết Đàn nai trăng, kể về phong trào chống thực dân pháp của Mọ Kọ - Di Linh, cũng như về người thủ lĩnh K'Kíu tài trí, dũng cảm, ngoan cường.
Ngày nay, người dân ở bon Kòn Tẻ Srê (Thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) vẫn còn lưu truyền Truyền thuyết Đàn nai trăng, kể về phong trào chống thực dân pháp của Mọ Kọ - Di Linh, cũng như về người thủ lĩnh K’Kíu tài trí, dũng cảm, ngoan cường.
|
Gia đình liệt sĩ K’Kíu nhận bằng Tổ quốc ghi công vào năm 2020 |
Thủ lĩnh K’Kíu
Về tiểu sử của Anh hùng liệt sĩ K’Kíu, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Lâm cung cấp như sau: K’Kíu sinh năm 1907, tại bon Kòn Tẻ Srê, quận B’Lao, tỉnh Đồng Nai Thượng, nằm ở phía Nam đường 20. Nay bon Kòn Tẻ Srê thuộc địa phận hành chính Thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Mới 15 tuổi, cậu bé K’Kíu đã bị thực dân Pháp bắt đi phu, phen, phá đá, san đồi, chặt cây để làm đường 20. Phải chịu nhiều đánh đập dã man của thực dân Pháp nên ý thức cách mạng, cùng lòng căm thù giặc hình thành rất sớm trong con người cậu. Năm 17 tuổi, K’Kíu vận động các bạn người K’Ho, người Mạ cùng trang lứa, cùng bị thực dân Pháp bắt đi phu, phen đoàn kết đấu tranh chống lại sự cai trị, chủ động và tích cực tuyên truyền chống sưu thuế, chống bắt phu, bắt lính, không hợp tác với giặc Pháp. Trong thời gian này, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của N’Trang Lơng (từ 1912 đến 1935) ở Đắk Lắk có ảnh hưởng tích cực tới K’Kíu, củng cố tinh thần quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược nơi chàng trai K’Ho.
Trong 2 năm, 1944 và 1945, cùng với phong trào yêu nước lên cao, Mặt trận Việt Minh cũng phát triển rộng khắp trên cả nước, K’Kíu được cán bộ cách mạng giác ngộ, tích cực tham gia và ủng hộ Việt Minh. Ông còn vận động nhiều thanh niên K’Ho, Mạ như K’Bàng (B’Lá), K’Puốt (Lộc Bắc), K’Giai (Lộc Bảo), K’Kông và K’Dụ (Lộc Nam), K’BLiu (Lộc Lâm), K’Mạnh (Lộc Tân) và K’Diếp, K’Chống, K’Ghia, K’Niar (Lộc Thành)... đi theo Việt Minh. Tháng 8/1945, K’Kíu cùng các đồng chí của mình ở cả hai phía Nam và Bắc đường 20 theo Việt Minh giải phóng quận B’Lao (Bảo Lộc và Bảo Lâm). Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong niềm hân hoan của người dân cả nước, ông tiếp tục vận động nhiều người con của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho tham gia cách mạng, bảo vệ chính quyền ở quận B’Lao, quận Di Linh và xung phong vào lực lượng vũ trang địa phương. K’Kíu cũng đã vận động hơn 120 thanh niên người dân tộc thiểu số lầm đường, trở về quy hàng cách mạng.
Hy sinh vì Nhân dân, vì núi rừng
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Sau đó 1 ngày quân Pháp tấn công lên miền Thượng, âm mưu chiếm đóng trở lại vùng đất B’Lao - Di Linh. Trước tình hình đó, tỉnh Đồng Nai Thượng đã lập nhiều trận tuyến đánh địch, trong đó có trận tuyến ở đèo B’Lao. Trận tuyến này, quân ta gồm 1 trung đội của Vệ quốc quân Nam Trung Bộ tăng cường và 1 trung đội ở miền Đông Nam Bộ hành quân lên, phối hợp cùng lực lượng vũ trang B’Lao với hơn 200 thanh niên (chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số) do K’Kíu huy động. Ông cùng với Trung đội trưởng Vệ quốc quân Mường Mè và Chính trị viên Vệ quốc quân Trần Đàm lập tuyến phòng thủ vững chắc tại đèo B’Lao. Sáng 11/11/1945, quân Pháp tiến đánh đèo B’Lao với lực lượng hơn 350 tên, cùng phương tiện vũ khí trang bị hiện đại yểm trợ. Tuy vậy, chúng vẫn không thể tiến lên đèo B’Lao. Tối cùng ngày, chúng buộc phải quay lại cầu Đạ M’ri, chân đèo B’Lao. Sáng 12/11/1945, quân Pháp lại tổ chức tấn công lên đèo B’Lao. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Trong trận đánh đó, quân ta chỉ bằng 1/3 quân địch, trang bị vũ khí lại thô sơ, nhưng chiến đấu rất dũng cảm, làm chậm bước tiến của chúng trong 4 ngày. K’Kíu tập hợp thanh niên K’Ho, Mạ dùng cung tên, giáo mác, nhựa đường, mủ ngo, thùng phi, lập dàn bẫy đá trên núi cao... rồi giật chốt, bắn tên vào địch, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên. Về phía quân ta, gần 20 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Ngày 16/11/1945, vì lực lượng quá chênh lệch, quân ta cùng lực lượng tại chỗ do K’Kíu chỉ huy phải rút lui khỏi phòng tuyến đèo B’Lao. Trận tuyến tại đèo B’Lao là trận chiến của lực lượng vệ quốc quân ở quận B’Lao và lực lượng tại chỗ gồm những người dân tộc thiểu số, thể hiện tình đoàn kết quân dân Kinh - Thượng, một lòng theo Đảng, kháng chiến trường kỳ.
Cuối năm 1945 - đầu 1946, các vị trí xung yếu dọc đường 20 đều bị quân Pháp chiếm, phần lớn quận B’Lao trở thành vùng tạm chiếm. Chúng đàn áp đẫm máu những người tham gia lập trận tuyến tại đèo B’Lao. Tháng 1/1946, K’Kíu và một số đồng chí của mình bị địch bắt. Chúng tra tấn rất dã man, nhưng ông không nao núng, kiên quyết không khai báo đồng đội, đồng bào của mình tham gia chiến đấu tại trận tuyến ở đèo B’Lao. Ngày 5/1/1946, biết không thể khuất phục được K’Kíu, đồng thời cũng để uy hiếp tinh thần người dân tộc thiểu số, quân Pháp đưa ông đi xử bắn. Chúng thị uy, cưỡng bức người dân tộc thiểu số tập trung tại pháp trường để chứng kiến K’Kíu bị hành hình. Trước mũi súng quân thù, ông vẫn hiên ngang, nói những lời đanh thép: “Tao không sợ chết. Tao chết vì nhân dân tao, vì núi rừng của tao. Tao chết nhưng nhân dân tao vẫn tiếp tục đánh chúng mày. Tao chết trước, chúng mày chết sau. Cái chết của bọn mày mang theo tội lỗi”.
Chứng kiến sự hy sinh anh dũng của K’Kíu, người K’Ho và người Mạ đều cảm thương ông, khâm phục người con K’Ho yêu nước, căm thù giặc Pháp và bọn tay sai bán nước. Sự hy sinh của ông không làm người dân tộc thiểu số khiếp sợ, ngược lại càng làm tăng thêm sự căm thù giặc, biến thành sức mạnh tinh thần cổ vũ lòng yêu nước, quyết tâm cùng nhau đoàn kết kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ làng bon, bảo vệ núi rừng.
THÀNH ĐỒNG