Một ngày tháng 6, chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa với 5 sinh viên vừa mới đứng vào đội ngũ của Đảng: Lê Thị Lụa, Ma Trạm, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trình Thị Loan và Ka Thônh tại giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Một ngày tháng 6, chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa với 5 sinh viên vừa mới đứng vào đội ngũ của Đảng: Lê Thị Lụa, Ma Trạm, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trình Thị Loan và Ka Thônh tại giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt.
Sinh viên - đảng viên từ trái qua phải: Lê Thị Lụa, Ma Trạm, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trình Thị Loan và Ka Thônh |
Mỗi phương trời một đích đến thành công
Năm người đều là sinh viên năm thứ 3, Khóa 43, Trường CĐSP Đà Lạt. Họ đang theo học 2 ngành đào tạo, giáo dục Tiểu học, giáo dục Mầm non. Trước khi chung một mái trường để theo đuổi ước mơ thành cô giáo, mỗi người đến từ một phương trời khác nhau, nơi đô thị phát triển là Nguyễn Thị Kim Ngọc, ở Phường 11, thành phố Đà Lạt; những nơi nông thôn, vùng sâu là Ma Trạm, dân tộc Chu Ru, ở xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng; Ka Thônh, dân tộc Cơ Ho, ở xã Tam Bố, huyện Di Linh; Lê Thị Lụa ở xã Ninh Loan và Trình Thị Loan ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng.
Khác nhau là vậy nhưng thành tích của 5 sinh viên chia sẻ đã làm tôi thực sự mến phục. Năm sinh viên đều sinh năm 2000, thành tích học tập đạt loại Giỏi từ 3 -4 học kỳ với điểm trung bình thấp nhất là 8,07 điểm, cao nhất là 9,05 điểm. Với thành tích về các phong trào, sinh viên nào cũng được trao tặng bằng khen hoặc của Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam hoặc giấy khen của Thành đoàn, Tỉnh Đoàn. Cùng đó là những giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, của Trường và xã; giấy chứng nhận đạt các thành tích về từng lĩnh vực: học tập, rèn luyện, “Sinh viên 5 tốt”, nghiên cứu khoa học, thực tập sư phạm, nghiệp vụ sư phạm giỏi, thể thao, “mùa hè xanh”, hiến máu tình nguyện…
Bài học cho mình và sự sẻ chia
Trước hết, môi trường học tập và rèn luyện của Trường CĐSP Đà Lạt đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt 5 sinh viên tri ân đối với các thầy, cô giáo về sự tận tình truyền thụ kiến thức và hướng dẫn phấn đấu, giúp đỡ rèn luyện trong các hoạt động. Các bạn đều cho rằng, tích cực tham gia vào môi trường giáo dục nói riêng và các phong trào thi đua nói chung đã tạo cơ hội mở rộng tầm hiểu biết để phát huy hết khả năng bản thân; đúc kết nhiều bài học quý về giao tiếp, thuyết trình, kĩ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, khắc phục khó khăn để tập hợp đoàn kết và điều hành tập thể vươn lên những thành tích chung... Lê Thị Lụa nhắn nhủ lớp đàn em sinh viên: “Ngoài việc siêng năng học bài, chăm chỉ tra cứu tài liệu trên mạng Internet ra chúng ta cần rút ra cho mình một phương pháp học tập phù hợp với chính mình. Cùng đó, hãy luôn năng nổ tham gia các hoạt động; ở đó, chúng ta sẽ cảm thấy rất vui vì được cống hiến một phần công sức của mình cho xã hội, chúng ta có thể phát huy điểm mạnh, khắc phục các điểm yếu của mình”. Chia sẻ này cũng có từ Ma Trạm. Cô nói thêm: “Để đạt được kết quả học tập tốt thì cần phải siêng năng, cần cù. Học đi đôi với hành và phải có niềm đam mê, sự yêu thích đối với ngành học. Với các phong trào, cần có hứng thú, tích cực, chủ động, linh hoạt và phải tự giác, có trách nhiệm đối với mọi hoạt động…”.
Nguyễn Thị Kim Ngọc nói: “Qua từng năm học tại Trường CĐSP Đà Lạt, tôi rút ra được nhiều bài học: Muốn trở thành sinh viên tốt thì cần phải có kỷ luật tốt. Kỷ luật chính bản thân và kỷ luật của một tập thể. Kỷ luật quyết định mọi hành động, kỷ luật tập thể sẽ vững mạnh. Học tập là không ngừng sáng tạo, phát biểu hăng say và nghiêm chỉnh trong các kỳ thi. Còn phong trào là tự nguyện, tự giác và biết sắp xếp thời gian và sáng tạo…”. Kim Ngọc là sinh viên đã có 9 lần hiến máu tình nguyện. Cô nói: “Mong muốn của tôi là có thể giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, ta cho đi thứ này ta sẽ không nhận lại vật chất hay lời tung hứng mà thay vào đó ta sẽ được nhận lại nụ cười, niềm hạnh phúc của mọi người”.
Ka Thônh, cô gái đến với ngành học Mầm non do thích múa hát từ nhỏ và động lực muốn cống hiến được gieo duyên từ sự thiện cảm với tấm lòng yêu nghề mến trẻ ở cô giáo trong buôn. Cô phấn đấu học nghề vừa để mong về giúp trẻ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cũng đồng thời mong lan tỏa nghị lực và thành quả học tập đến với mọi người ở quê hương mình. “Học ở Trường CĐSP, tôi được biết rất nhiều điều và mở ra nhiều mối quan hệ mới. Tôi sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học để đáp ứng đổi mới giáo dục khi được phân công làm giáo viên”, Ma Thônh nói. Với sinh viên Trình Thị Loan, cô cho rằng, “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sinh viên là việc học tập và bồi dưỡng tri thức. Ngoài ra, bên cạnh việc học tốt thì tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể cũng là một điều hết sức quan trọng, giúp các bạn sinh viên phát triển một cách toàn diện. Khi cọ xát với thực tế, chúng ta sẽ trưởng thành hơn và môi trường công tác Đoàn là nơi cho phép ta thử nghiệm những ý tưởng “đột phá” của tuổi trẻ. Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”. Nói về nghề tương lai là một giáo viên mầm non, Trình Thị Loan cảm nhận: “Sẽ có nhiều khó khăn của nghề dạy trẻ, người giáo viên không chỉ đơn thuần cần cái tâm để yêu thương mà cũng phải có nghị lực vững vàng lắm mới có thể vượt qua. Chính vì vậy cô giáo mầm non cần hóa thân giống như người diễn viên diễn nhiều vai, vừa là mẹ, vừa là cô, là nghệ sĩ, bác sĩ trong lớp học mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối”…
Lời kết từ những thầy giáo
Tôi khép lại bài viết về 5 nữ sinh viên ưu tú, 5 đảng viên trẻ của Trường CĐSP Đà Lạt với nhận xét của cán bộ nhà trường.
Thầy Phan Văn Minh - Bí thư Đoàn trường cho biết, các bạn là những hạt nhân nổi bật của các phòng trào Đoàn và Hội. Hai tổ chức này nhiều năm nay khẳng định vị trí quan trọng trong các phong trào của tuổi trẻ tỉnh Lâm Đồng với nhiều ghi nhận bằng khen của Trung ương và của tỉnh. Còn thầy Phan Văn Bông - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Đoàn Thanh niên Trường CĐSP Đà Lạt là một trong những đơn vị Đoàn trường học rất mạnh của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Được quan tâm tạo điều kiện của các cấp, công tác Đoàn và phong trào sinh viên nhà trường tiếp tục phát triển, trong đó công tác phát triển đảng trong sinh viên như là điểm sáng. Dù số lượng sinh viên hiện nay không nhiều, quy định khá khắt khe của Đảng ủy khối là sinh viên phải đạt ít nhất 3 học kỳ học lực giỏi, không có học kỳ trung bình và phải tham gia tích cực các hoạt động khác trong trường, nhưng sự nỗ lực của các cá nhân, năm học 2020 - 2021, nhà trường đã có 5 sinh viên được đứng vào đội ngũ của Đảng”.
MINH ĐẠO