(LĐ online) - Mức thu nhập bình quân 4,23 triệu đồng người/tháng là kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện, vừa được công bố. Đây là con số khảo sát trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
(LĐ online) - Mức thu nhập bình quân 4,23 triệu đồng người/tháng là kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện, vừa được công bố. Đây là con số khảo sát trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả của cuộc khảo sát trên cho thấy, chi tiêu bình quân hộ gia đình là 2,89 triệu đồng/người/tháng (phần còn lại được người dân sử dụng như quỹ tiết kiệm, dự phòng). 2,7 triệu đồng trong số đó được dành để chi cho đời sống và con số này chiếm đến 93% tổng chi tiêu hộ gia đình. Một phân tích cụ thể hơn cho thấy, chi cho ăn uống của người dân chiếm đến 58,5% (1,69/2,89 triệu đồng) trong tổng chi tiêu. Sau khi trừ thêm các chi phí nhà ở, đi lại, giáo dục cơ bản, y tế thì không còn khoảng trống để chi thêm cho giải trí, văn hóa thể thao, hay đầu tư phát triển.
Thực ra, lâu nay, ngoài các chi phí cơ bản, chúng ta dường như cũng ít để ý đến các chi phí khác, như một khoản đầu tư cho nghỉ ngơi, giải trí, các hoạt động văn hóa nghệ thuật… để tái tạo sức lao động. Đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều này có vẻ cũng xa vời hơn. Nếu ở vùng thành thị, người dân còn có thêm những lựa chọn khác như mua/đọc sách, xem phim, các chương trình nghệ thuật, các show diễn của các nghệ sĩ, lựa chọn điểm đi chơi, nghỉ dưỡng (dù đây không phải là cơ hội của số đông)… thì người dân ở vùng nông thôn nói chung rất khó tiếp cận các hoạt động này. Xem ti vi, đọc mạng và “xem” mọi thứ thông qua mạng xã hội, hát karaoke, lai rai một chút với hàng xóm sau một ngày làm việc gần như là các hoạt động giải trí chủ yếu và phổ biến.
Nhưng đó cũng chỉ là tổng quan chung. Có thể nhận thấy, 41,5% còn lại với con số cụ thể là 1,2 triệu đồng, rất khó để có thể nhìn ra được phần chi cho các hoạt động khác, ngoài những nhu cầu cơ bản và thiết yếu. Đây cũng chính là khoảng hụt hẫng mà kết quả khảo sát đã nhắc tới trong văn hóa, thể thao, giải trí… Không bao đồng, nhưng chúng ta cũng dễ dàng thấy, đời sống văn hóa còn thấp. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng có tác động và hệ quả trở lại đối với phát triển. Đó cũng là cơ hội để mạng xã hội, vốn đang khó quản lý và rất nhiều thông tin thất thiệt càng trở nên phức tạp hơn do không được kiểm chứng.
94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày (trong tổng số 97 triệu dân) là con số được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra vào năm 2019 (dẫn theo ehealth.gov.vn). Một nghiên cứu quốc tế từng được đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn nguồn cũng cho hay, Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, theo lượng sách xuất bản, mỗi người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng trong đó, có một nửa là sách giáo khoa (theo thethaovanhoa.vn). Cho dù đây là những khía cạnh khác của vấn đề, song theo chúng tôi, đó cũng là những con số cần tham vấn, trong những tác động đa chiều của nó.
Chúng ta có những lễ hội văn hóa nghệ thuật được diễn ra khá thường xuyên trước đại dịch Covid-19, có Ngày sách Việt Nam do Chính phủ phê duyệt và phát động, có những “con đường sách”, trạm đọc... trong những nỗ lực đưa văn hóa đến cho cộng đồng. Nỗ lực này là con đường dài và chắc chắn là nó không đến từ nỗ lực một phía mà còn phải từ ý thức về văn hóa đọc. Cũng chắc chắn để có một đời sống tốt trong tính đa nghĩa của nó, có một chiều sâu văn hóa và nhận thức tốt về xã hội, phải là nhận thức lại về sự đầu tư cho con người ngay trong các khoản chi tiêu và nâng cao mức sống.
YÊN MINH