(LĐ online) - Phải xa gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt vì dịch Covid-19 nhưng ở Việt Nam, 22 du học sinh Lào vẫn được bù lại bằng những tình cảm từ tình người nơi ngôi nhà thứ hai của mình tại Đà Lạt.
(LĐ online) - Phải xa gia đình trong hoàn cảnh đặc biệt vì dịch Covid-19 nhưng ở Việt Nam, 22 du học sinh Lào vẫn được bù lại bằng những tình cảm từ tình người nơi ngôi nhà thứ hai của mình tại Đà Lạt.
|
Sinh viên Lào tham gia các hoạt động vui chơi trong Tết cổ truyền Bunpimay tại Đà Lạt ngày 19/4 |
Ở hai đầu nỗi nhớ
2 năm nay, MounThiusene ChanThaphone (23 tuổi) chỉ biết giấu nỗi nhớ gia đình trong những cuộc gọi, dòng tin nhắn gửi về Chămpasak (Lào) - quê hương của mình. ChanThaphone hiện đang là sinh viên năm cuối Khoa Hóa học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt.
Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, giờ đây, ChanThaphone trông không khác những sinh viên người Việt là bao. “Em mất khoảng 1, 2 tháng đầu để làm quen môi trường mới. Nhưng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía thầy cô giáo, các anh chị đi trước cũng như các bạn cùng lớp mà em đã tự tin hơn rất nhiều" - ChanThaphone chia sẻ.
ChanThaphone là một trong số 22 sinh viên Lào hiện đang theo học tại Trường Đại học Đà Lạt. Trước đây, mỗi năm ChanThaphone về thăm nhà 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, 22 sinh viên Lào đã nén lại nỗi nhớ gia đình. Thay vào đó, các em dành toàn bộ thời gian cho việc học tập, nghiên cứu thêm tài liệu hay chơi thể thao, tổ chức các sinh hoạt văn hóa tại ký túc xá để san sẻ, động viên lẫn nhau.
|
Sinh viên Lào giới thiệu món ăn truyền thống |
“Chúng em cũng thường xuyên gọi điện thoại về nhà để cập nhật tình hình cũng như để cha mẹ biết rằng ở đây chúng em vẫn được quan tâm và vẫn đang rất ổn. Dịch bệnh ở Lào cũng diễn biến phức tạp, em cũng rất nhớ và mong được về nhà nhưng an toàn vẫn được đặt hàng đầu. Thêm vào đó, ở đây chúng em nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía nhà trường, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào ở Lâm Đồng… nên cũng an tâm để hoàn thành việc học tập cũng như sinh hoạt” - ChanThaphone cho biết thêm.
Lựa chọn học tập tại Việt Nam, ChanThaphone bảo rằng đó là quyết định đúng đắn của mình bởi sau 4 năm học tập và sinh sống ở Đà Lạt, cậu yêu thêm mảnh đất, con người nơi đây. Hiện tạ, đã kết thúc chương trình học, sắp quay trở về lại quê hương nhưng ChanThaphone bảo mình đã yêu mảnh đất này, sẽ quay trở lại để tiếp tục gắn bó với nơi mà em đã thực sự coi là ngôi nhà thứ hai.
Cũng giống như ChanThaphone, Sisahad MayouLath (sinh viên Khoa Luật) cũng đã hơn 1 năm rưỡi chưa được về nhà. Gia đình cũng rất lo lắng cho MayouLath nhưng cũng mừng rỡ bởi trong 2 năm ở Việt Nam, MayouLath trưởng thành lên trông thấy. MayouLath nói rằng đây em được học rất nhiều, ngoài kiến thức ở giảng đường thì còn là văn hóa, con người, ẩm thực Việt Nam … vô cùng phong phú. Đặc biệt, từ khi trở thành con nuôi trong 1 gia đình người Đà Lạt, sự gắn bó cũng như tinh thần của em và các bạn được tăng lên nhiều lần.
“Ngày được nhận đỡ đầu em đã rơi nước mắt vì cảm nhận được sự ấm áp, giống như mình được trở về vòng tay bố mẹ. Em hay về nhà bố mẹ nuôi vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, tết. Mọi người sẽ cùng nhau nấu những món ăn của Việt Nam, em sẽ nấu món ăn truyền thống của Lào mời gia đình và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Thông qua đó em không chỉ học thêm được nhiều ngôn ngữ tiếng Việt mà còn hiểu thêm về cuộc sống, con người, văn hóa gia đình Việt Nam. Em cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Cũng nhờ đó mà em cũng nguôi đi phần nào nỗi nhớ gia đình ở nơi xa” - MayouLath chia sẻ.
|
Tổ chức nhận đỡ đầu sinh viên Lào tại Đà Lạt |
Ươm mầm hữu nghị Việt - Lào
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục phát động phong trào Ươm mầm hữu nghị ở Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, từ năm 2019, Ban Thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào đã có lời kêu gọi các gia đình nhận đỡ đầu cho sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Đà Lạt. Mục đích chính là tạo điều kiện giúp đỡ cho các em giao lưu, trao đổi văn hóa, giúp các em có nhận thức đúng đắn hơn về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân hai nước, hai Đảng; tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Bạn - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng, bằng hình thức tạo điều kiện cho các em sinh viên về sinh hoạt, chung sống, đoàn tụ với gia đình nhận đỡ đầu vào ngày nghỉ cuối tuần, cuối khóa và trong các dịp lễ, tết cổ truyền của hai dân tộc đã giúp các em có cơ hội trau dồi trình độ tiếng Việt, tạo sự gắn bó, tình cảm giữa các sinh viên với gia đình của Việt Nam, mở ra cơ hội giúp các em có điều kiện vươn lên nghiên cứu ở trình độ cao hơn tại Trường Đại học Đà Lạt..
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã có gần 1.000 hội viên trên toàn tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực như: Chương trình gặp mặt đầu xuân, thăm, tặng quà cho sinh viên, sĩ quan Lào tại Lâm Đồng; phối hợp đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm, làm việc tại tỉnh; tổ chức cho sinh viên Lào tham quan Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang để các em có thể vốn kiến thức về môi trường, tự nhiên nơi mình sinh sống; tổ chức thăm hỏi, động viên các em khi ốm đau, gia đình có chuyện buồn… Bên cạnh đó, Hội thường xuyên phối hợp với Ban Giám hiệu trường để thăm nắm tình hình học tập, rèn luyện tại trường, sinh hoạt tại ký túc xá để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các em.
“Thông qua mọi hoạt động của Hội đã trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho các em. Con người ta có trăm nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để về đó là gia đình, là quê hương. Đây là ngôi nhà thứ hai của các em trong ngôi nhà chung của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào. Thông qua đó, chúng ta cùng khẳng định quyết tâm kế thừa và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị, thủy chung, gắn bó và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới” - ông Nguyễn Bạn nói thêm.
HỒNG THẮM