Lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...
Lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có tính liên ngành khi có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an. Chương trình cũng nhận được sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cũng tham gia triển khai.
Internet có tiềm năng mở rộng tầm nhìn và khơi dậy sự sáng tạo trên toàn thế giới, song cơ hội lớn cũng đi kèm với rủi ro nghiêm trọng nhất là với trẻ em |
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830 phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.
Chương trình có “mục tiêu kép” là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện được các mục tiêu, Chương trình đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Đồng thời, đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh...
Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF): trẻ em đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bao giờ hết. Độ tuổi trẻ em bắt đầu lên mạng ngày càng nhỏ. Theo tổ chức này, khi được sử dụng đúng cách, internet có tiềm năng mở rộng tầm nhìn và khơi dậy sự sáng tạo trên toàn thế giới. Song cơ hội lớn cũng đi kèm với rủi ro nghiêm trọng. Bởi các hành vi bắt nạt trên mạng, tin nhắn, hình ảnh có nội dung bạo lực, kích động tự làm hại bản thân… chưa bao giờ xuất hiện nhiều và dễ dàng như hiện nay. UNICEF khẳng định, mọi trẻ em phải được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng trên internet...
Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng lần đầu tiên được phê duyệt ở Việt Nam được đánh giá là một bước đi tiến bộ, đặt những nền móng ban đầu về pháp lý, cơ chế để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Anh Phan Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo ra một thiết chế để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điểm nhấn đáng chú ý mà Chương trình hướng tới là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em “hệ miễn dịch số” để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Qua đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình chủ động triển khai các nội dung của Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu tại Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn chi tiết, cụ thể để triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông kết quả triển khai thực hiện.
DIỄM THƯƠNG