Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, từ đầu năm 2021 đến ngày 27/6, toàn tỉnh có 292 ca mắc sốt xuất huyết...
Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, từ đầu năm 2021 đến ngày 27/6, toàn tỉnh có 292 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó địa phương có số mắc tăng cao là huyện Đạ Tẻh 174 ca. Dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch.
|
Xe loa tuyên truyền phòng, chống dịch SXH tại Cát Tiên |
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân SXH, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ XI nhằm chủ động phòng, chống SXH trong thời gian tới, không để dịch bùng phát và lan rộng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại địa phương.
Mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền đến cộng đồng về các kiến thức cơ bản của bệnh SXH và vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng tại nhà. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, người dân tham gia, phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng và các hoạt động thiết thực khác để tăng cường phòng, chống bệnh SXH. Chiến dịch hướng đến tạo thành phong trào diệt lăng quăng phòng, chống SXH, để mọi người dân biết và cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH nhằm đạt mục tiêu là hộ gia đình không có lăng quăng.
Mỗi huyện, thành phố triển khai ít nhất một xã, phường, thị trấn; 100% tổ dân phố, thôn của xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Vận động 100% hộ gia đình tại các tổ dân phố, thôn của xã, phường, thị trấn triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Tuân thủ đúng quy trình tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã ban hành.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị tham mưu cho UBND các huyện, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi và tiến hành các hình thức diệt lăng quăng/bọ gậy phù hợp. Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân của địa phương ra văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan tham gia thực hiện. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống SXH, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH như: lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy, nằm màn chống muỗi đốt. Truyền thông về các dấu hiệu của bệnh SXH và hướng dẫn khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. Phát huy vai trò của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống SXH, đồng thời đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống SXH lấy đơn vị xã, phường, thị trấn làm nòng cốt, huy động các thành viên tham gia gồm: Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn; Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, dân quân tự vệ, Trạm Y tế xã, cộng tác viên, y tế thôn bản, Trưởng khu phố và có sự tham gia chỉ đạo của UBND huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động công tác truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch và tham mưu cho UBND các huyện, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng.
AN NHIÊN