Không có cái gọi ''báo lề trái'', ''báo lề phải''

11:06, 14/06/2021

(LĐ online) - Những năm gần đây, truyền thông xã hội xuất hiện một thuật ngữ khá lạ: "Báo lề trái" để chỉ các trang web, blog đối lập với báo chí chính thống của Nhà nước Việt Nam...

(LĐ online) - Những năm gần đây, truyền thông xã hội xuất hiện một thuật ngữ khá lạ: “Báo lề trái” để chỉ các trang web, blog đối lập với báo chí chính thống của Nhà nước Việt Nam mà những kẻ chống đối cực đoan gọi là “báo lề phải”. Thực chất cái gọi “báo lề trái” này là gì? Bản chất thực sự của nó như thế nào?
 
Các ấn phẩm báo chí chính thống của Việt Nam. Ảnh. Hữu Thành
Các ấn phẩm báo chí chính thống của Việt Nam. Ảnh. Hữu Thành
 
Nhận diện cái gọi “báo lề trái”
 
Báo chí cách mạng Việt Nam từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng với sự ra đời tờ báo Thanh Niên đầu tiên (ngày 21/6/1925), qua gần một thế kỷ phát triển, báo chí đã thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đến với các tầng lớp Nhân dân. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích là cơ quan ngôn luận chính thống, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 
 96 năm ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên “mặt trận tư tưởng”. Đến nay, Việt Nam có hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, làm việc trong 900 cơ quan báo chí đủ các loại hình. Các cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích hoạt động; trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ nhà báo “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” hàng ngày, hàng giờ chuyển tải thông tin trong nước và thời sự quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thông tin cho người dân. 
 
Báo chí còn là diễn đàn, thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, tham gia có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Báo chí thực sự trở thành “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; phương tiện kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, quyền, nghĩa vụ của người dân.
 
Hoat động của báo chí, quyền tự do báo chí đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013); được quy định cụ thể trong Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999 và năm 2016) và các văn bản pháp luật có liên quan. Chưa có một văn bản nào “quy định” báo chí Việt Nam là “báo lề phải” (hoạt động theo đúng lề đường bên phải mà Đảng vạch ra) như luận điệu của những kẻ cực đoan, phản động (?!). Và, càng không có chuyện Đảng và Nhà nước Việt Nam cấm đoán, bóp nghẹt tự do báo chí hay bắt buộc các cơ quan báo chí hoạt động theo lề này, lề khác.
 
Thực chất cái gọi “báo lề trái” là gì?
 
Nhà báo Hải Trang trong bài viết “Sự thật về cái gọi báo lề trái” đã chỉ rõ, việc đặt ra “báo lề trái”, “báo lề phải” là quan điểm của một số cá nhân, tổ chức thù địch trong và ngoài nước chống đối Nhà nước Việt Nam. Chúng cố tình dựng lên, thổi phồng để rêu rao rằng Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí Việt Nam hiện nay hoạt động theo lề mà Đảng đã vạch ra và ngoài báo chính thống còn có những tờ báo lề trái “đối lập” dám nói, dám viết những vấn đề mà báo lề phải không dám đề cập...
 
Có thể thấy, những thứ mà các tổ chức phản động, số cá nhân cực đoan cho là “báo” thực chất không phải báo chí (!). Nó chỉ là những trang tin, blog, facebook cá nhân không đủ tư cách hoạt động như một cơ quan báo chí đơn thuần. Đây là những trang tin, blog của cá nhân, tổ chức thù địch trong và ngoài nước dựng lên để phục vụ các hoạt động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam. Cụ thể: Đàn chim Việt, Đối thoại, Tự do dân chủ, Điếu cày, Sự thật và công lý, Anh ba sàm, XuanDienHanNom, Dân làm báo, Quan làm báo, Dân luận, Thông luận, BauxiteVN, Một góc nhìn khác, blog quechoa (của Nguyễn Quang Lập), blog vietnamthoibao (của Phạm Chí Dũng), blog Luật khoa tạp chí (của Phạm Đoan Trang), blogbuivanbong (Bùi Văn Bồng), blog hasiphu (Hà sĩ Phu), blog Nguyễn Tường Thụy, blog Huỳnh Ngọc Chênh … đều do các phần tử phản động trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại và các đối tượng chống đối cực đoan trong nước lập ra nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
 
Mục tiêu “tối thượng” của các trang mạng xã hội này đều nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam với mục đích rất tầm thường của những tổ chức, cá nhân là đánh bóng tên tuổi, gây tiếng với “quan thầy” để được chú ý và được nhận tiền tài trợ từ các tổ chức “chống cộng” khét tiếng ở nước ngoài.
 
Với dã tâm đen tối và lòng hận thù dân tộc, các blogger cam tâm “bán linh hồn cho quỷ”; cúi mặt nhận những đồng đô la tài trợ bẩn thỉu để rồi điên cuồng bịa đặt, cắt ghép, đưa thông tin sai sự thật; viết, phát tán tin, bài, bình luận, trả lời phỏng vấn các đài, báo nước ngoài xuyên tạc tình hình chính trị ở Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam; chống phá Đảng, Nhà nước ta, nói xấu cán bộ, lăng mạ, xúc phạm lãnh tụ… hết sức trân tráo, phản động.
 
Chúng lu loa rằng, ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí; Đảng, Nhà nước bóp nghẹt tự do báo chí; “báo lề phải” không dám phản ánh những vấn đề tiêu cực xã hội, chỉ có “báo lề trái” mới “dám nói những điều mà báo lề phải không dám đề cập”. Đặc biệt, chúng đã lợi dụng vụ một số nhà báo do có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo đã bị xử lý kỷ luật để lớn tiếng cho rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam bị hạn chế, nhà báo bị “trừng phạt”…
 
Đây là những thứ mà các tổ chức phản động, đối tượng cực đoan gọi là báo lề trái. Ảnh .KT
Đây là những thứ mà các tổ chức phản động, đối tượng cực đoan gọi là báo lề trái. Ảnh .KT
 
Cần vạch trần luận điệu xảo trá
 
Trước hết, cần khẳng định cái gọi “báo lề trái” không phải là báo. Bản chất thật sự cái gọi “báo lề trái” chỉ là những trang mạng xã hội của những tổ chức phản động, số cá nhân cực đoan tự lập ra để làm phương tiện tán phát thông tin bịa đặt, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam chỉ vì mục đích kiếm tiền của thân phận những kẻ lưu vong, sống vật vờ ở hải ngoại và những kẻ cực đoan trong nước bị dư luận xã hội vạch trần dã tâm “chống cộng” đã tức tối, điên cuồng chống đối đến cùng.
 
Thứ hai, trong lĩnh vực báo chí, Nhà nước ta luôn bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận trên cơ sở thông tin trên báo chí phải chính xác, trung thực; phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, vì mục tiêu phát triển; phải phù hợp với lịch sử văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống dân tộc; phải phù hợp thông lệ quốc tế, các cam kết mà Việt Nam ký kết, tham gia; phải trong khuôn khổ pháp luật.
 
Điều 25, Hiếp pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
 
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 quy định: (1) “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; (2) “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. 
 
Thứ ba, Nhà nước Việt Nam không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng báo chí để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lịch sử, nói xấu chế độ, kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ dân tộc, gây hận thù, truyền bá chủ nghĩa ly khai, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước… sẽ bị nghiêm trị.
 
Trước yêu cầu hội nhập và phát triển, mục tiêu của báo chí cách mạng Việt Nam là vừa phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, vừa là vũ khí chống lại các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng. Báo chí cách mạng Việt Nam là diễn đàn chính thống của Nhân dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, không có cái gọi báo lề trái, lề phải.
 
Chúng ta phải đề cao cảnh giác, đấu tranh vạch trần thủ đoạn thâm độc và luận điệu xảo trá của cái gọi “báo lề trái”, ý đồ tạo sự hiểu lầm rằng: Tự do báo chí là một quyền tuyệt đối; cổ súy các phần tử cơ hội, số đối tượng chống đối chế độ lợi dụng quyền tự do báo chí để tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta…
 
CHÍNH TÂM