Xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

05:06, 24/06/2021

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Gia đình là tế bào của xã hội. Ảnh: C.Thành
Gia đình là tế bào của xã hội. Ảnh: C.Thành
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. 
 
Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 
 
Xác định đúng vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 21/2/2005, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị 49 về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với mục tiêu ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để gia đình thực sự là tổ ấm của mọi người, là hạt nhân của xã hội. Ngày 27/6/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 42 nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng một cách hiệu quả.
 
Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình. 
 
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực gia đình, trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền Lâm Đồng đã đề ra các chính sách hỗ trợ gia đình. Nhờ vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo, giao đất sản xuất, giao rừng, hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm đã giúp hàng chục ngàn hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao mức sống. Phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển mạnh, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 93% hộ gia được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (hàng năm chỉ tiêu 90%). Trên 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; trên 98% trở lên hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện đúng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi. Năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo được nâng cao. Đến nay toàn tỉnh có 95% hộ gia đình trở lên được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật; 95% trở lên hộ gia đình nghèo, cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, khủng hoảng kinh tế; thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt nhiều tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình làm kinh tế giỏi xuất hiện, có tác dụng nêu gương tốt trong cộng đồng. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều) trên địa bàn toàn tỉnh còn 1,35%, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3,58%.
 
Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo.
 
Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định về chính trị, cấu trúc và chức năng gia đình Việt Nam cũng đã có sự thay đổi tích cực phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Quy mô gia đình ít con ngày càng được xã hội chấp nhận như một chuẩn mực, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 
 
Tuy nhiên, công tác gia đình hiện nay vẫn còn những yếu kém, việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập. Hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng… đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống của gia đình đang có biểu hiện xuống cấp. Các tệ nạn xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, lối sống thực dụng… đang thâm nhập vào các gia đình. Vì vậy, công tác gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
 
Nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình thì những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vẫn là do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình chưa đầy đủ, đúng mức. Công tác quản lý Nhà nước về gia đình còn nhiều lúng túng bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện cho gia đình phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác quản lý về gia đình trước những khó khăn, thách thức mới. 
 
Trước thực trạng trên, để phát huy những yếu tố tích cực và chủ động phòng tránh những tác động tiêu cực đối với gia đình trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần thực hiện tốt một số định hướng và giải pháp sau: 
 
Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi người hiểu và nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
 
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Cần đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình.
 
Gắn việc triển khai xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật trẻ em…; đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động, vai trò phối hợp và trách nhiệm triển khai nhiệm vụ liên ngành trong công tác gia đình.
 
Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. 
 
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xóa đói, giảm nghèo và quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách, có công với cách mạng.
 
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, cụm dân cư văn hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
 
NGUYỄN THỊ MỴ