Ngành chức năng tỉnh đã đưa ra những kiến nghị thiết thực để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian đến phát huy được hiệu quả hơn.
[links()]
Bài 2: Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng
|
Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Ngành chức năng tỉnh đã đưa ra những kiến nghị thiết thực để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian đến phát huy được hiệu quả hơn.
Phát huy thế mạnh của tỉnh
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, điểm thuận lợi nhất hiện nay chính là việc lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp đã quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, phát triển ngành, địa phương, đơn vị mình.
Cho đến nay tỉnh cũng đã ban hành các chế độ, chính sách hợp lý trong đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện cho mọi CBCCVC, người lao động có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề của mình.
Việc cử CBCCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng đến nay đã được hầu hết các sở, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự thủ tục, cử người đúng đối tượng, đúng mục tiêu và nội dung; gắn với quy hoạch sử dụng. Chế độ, chính sách hỗ trợ cho người đi học được đảm bảo theo đúng quy định.
Nhờ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nên cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh những năm gần đây theo đánh giá, đã tăng dần tỷ trọng ở các ngành, các lĩnh vực địa phương đang có thế mạnh; tiêu biểu như nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước hiện nay.
Lâm Đồng cũng ưu tiên dành kinh phí cho đào tạo đội ngũ lao động trực tiếp; công tác đào tạo, đào tạo lại được tiến hành theo các chương trình, kế hoạch đề ra; việc hợp tác giữa tỉnh với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn có uy tín trong nước ngày càng đi vào chiều sâu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh từng bước được đầu tư nâng cấp và phát huy hiệu quả.
Đến nay, đội ngũ CBCCVC của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc về chất lượng. Trong tổng số trên 2.500 công chức hành chính từ cấp huyện trở lên hiện nay, trình độ chuyên môn từ đại học trở lên có trên 2.200 người, chiếm hơn 84,7%; 100% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học về chuyên môn và trình độ cao cấp lý luận chính trị; trên 90% CBCC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; trên 98% công chức hành chính đạt chuẩn theo quy định; 100% CBCC sử dụng được máy vi tính trong chuyên môn, nghiệp vụ và trên 73,6% có chứng chỉ tiếng Anh trở lên. Toàn bộ viên chức trong khối sự nghiệp của tỉnh đều đạt và vượt chuẩn chuyên môn lẫn chức danh nghề nghiệp theo qui định. Còn ở cấp xã, trên 65% CBCC cấp xã đã tốt nghiệp đại học và trên đại học.
Rất nhiều CBCCVC hiện nay như tỉnh cho biết, có tinh thần tự học, tự nghiên cứu; không ít người có khả năng tiếp cận kiến thức khoa học công nghệ mới, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực quản lý điều hành, kỹ năng thực thi công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu vị trí việc làm
Là một tỉnh Tây Nguyên với đông đảo các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên một việc cấp thiết mà Lâm Đồng lâu nay cũng làm rất tốt, đó là đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC làm công tác dân tộc. Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức văn hóa phong tục, tập quá cộng đồng dân tộc thiểu số, tỉnh còn chú trọng tổ chức các khóa học bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho những người làm việc trực tiếp trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh.
Chính đội ngũ nhân lực có chuyên môn, có tay nghề là một trong những yếu tố có tính chất quyết định để Lâm Đồng từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định hệ thống chính trị như những năm vừa qua, đưa tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến.
Những kiến nghị
Vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và người lao động của tỉnh hiện nay.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng đánh giá, không ít các lớp đào tạo bồi dưỡng CBCCVC vẫn còn nặng về hình thức; nội dung tuy đã được cập nhật đổi mới nhưng còn chồng chéo, hạn chế về tính ứng dụng thực tiễn và tính hội nhập. Việc bố trí thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng chưa thật hợp lý, thường tập trung mở lớp và dịp cuối năm nhưng trong thời điểm này hầu hết CBCCVC cực kỳ bận rộn nên không thể tham gia hoặc tham gia không đầy đủ.
Một điểm hạn chế nữa là, do hầu hết báo cáo viên các lớp bồi dưỡng là cán bộ làm công tác chuyên môn, thiếu kỹ năng sư phạm nên hiệu quả truyền đạt các lớp bồi dưỡng chưa cao.
Cùng đó, việc liên kết với một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tỉnh đến nay chưa thật sự phát huy được hiệu quả như mong muốn; một số đơn vị, địa phương chưa kiên quyết trong việc bố trí, sử dụng người đã qua đào tạo bồi dưỡng, người được hợp đồng đào tạo theo địa chỉ. Vẫn còn tình trạng những người đi học, sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp không muốn về lại địa phương, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Ngành Nội vụ cũng cho rằng một số cơ chế, chính sách giải pháp để thực hiện đề án đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực của tỉnh chưa được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm; chưa tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các chuyên gia, cán bộ khoa học trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt về công tác tại địa phương. Ngân sách chi cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ theo quy định nâng cao năng lực làm việc; mức phụ cấp cán bộ cơ sở nhất là cán bộ dự nguồn, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quá thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc cử người đi đào tạo.
Với cấp xã việc chuẩn hóa đội ngũ còn nhiều khó khăn do trên thực tế không ít người làm việc ở xã, phường, thị trấn chưa có trình độ chuyên môn, đa phần có thời gian tham gia công tác lâu năm nhưng lại quá tuổi để tham gia các lớp đào tạo chuẩn hóa trình độ.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới tại địa phương, đồng thời khuyến khích CBCCVC nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, Sở Nội vụ Lâm Đồng đề nghị các bộ, ngành Trung ương trong thời gian đến cần quan tâm tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng tập trung tại tỉnh hoặc trong khu vực để tạo điều kiện cho viên chức được tham gia bồi dưỡng, hoàn thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Lâm Đồng cũng cần hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã theo Quyết định số 124/QĐ-TTg giai đoạn 2014-2020 vùng Tây Nguyên từ nguồn ngân sách để tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng này.
Trong xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Sở Nội vụ lưu ý cần đảm bảo về lý thuyết lẫn phần kỹ năng, nhất là kỹ năng thực thi công vụ, giải quyết tình huống; tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo từng chức danh vị trí việc làm của CBCCVC; xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo giai đoạn, định hướng đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế tri thức.
Trước mắt Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Trường Chính trị Lâm Đồng biên soạn chương trình tài liệu bồi dưỡng trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trên cơ sở khung chương trình của Bộ Nội vụ đã ban hành tại Quyết định số 533/QĐ-BNV đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở.
Mục tiêu cụ thể của tỉnh đặt ra là đến hết năm 2021, toàn bộ 100% CBCCVC được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý trước khi được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại.
VIẾT TRỌNG