Với chén cháo, bà Trần Thị Hơn chậm chạp đưa từng muỗng nhỏ vào miệng móm mém của chồng và vỗ về "Nhai đi ông"; đôi môi ông rung lên nhấm nháp, rồi lại ngừng, bà lại nhắc...
Với chén cháo, bà Trần Thị Hơn chậm chạp đưa từng muỗng nhỏ vào miệng móm mém của chồng và vỗ về “Nhai đi ông”; đôi môi ông rung lên nhấm nháp, rồi lại ngừng, bà lại nhắc. Hơn 3 năm rồi, ông Nguyễn Tùng Châu (90 tuổi) bị tai biến nằm bất động trên giường, hàng ngày bà Hơn chăm sóc chồng từng miếng ăn giấc ngủ, mà đáng ra ở tuổi 80 đau yếu bà cũng đang cần được chăm sóc.
|
Bà Trần Thị Hơn đau bệnh vẫn kiên trì chăm sóc chồng tai biến hơn 3 năm qua |
Vẹn nghĩa nước, trọn tình nhà
Trong ngôi nhà ở hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng, Tổ dân phố 4, Phường 1 (Đà Lạt), hàng ngày bà Hơn nặng nhọc lê từng bước chân, khi thì vào bếp chuẩn bị thức ăn, lúc thì đến bên giường ông, đút từng muỗng nước, sữa, cháo. Biết chân bà đi lại khó khăn, thi thoảng ông lại gọi “bà ơi” lo bà ra ngoài té ngã. Chỉ vào đôi chân của mình, bà Hơn bảo, nếu không bị sưng, buốt do bệnh phong tê thấp đã mấy chục năm thì việc chăm sóc ông sẽ nhẹ nhàng hơn. Vì so với những năm gian khó nhất đời mình, bà cũng có thể vượt qua thì công việc nhà cửa, nấu nướng này có đáng gì.
Nhớ lại quá khứ, mái tóc trắng như cước của bà lại rung lên. Bà Hơn kể, năm 1954, khi mới 13 tuổi bà theo cha (là bộ đội chống Pháp) tập kết ra Bắc. Cứ tưởng sau 2 năm tổng tuyển cử, đất nước thống nhất sẽ lại trở về quê hương Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, nhưng cuộc ra đi kéo dài 21 năm. Trên đất Bắc, cô học sinh miền Nam tuổi vừa đôi mươi quen biết với chàng trai chững chạc, khí khái là cán bộ tập kết, quê ông ở làng Lộc Thọ, xã Tịnh Sơn, cùng huyện Sơn Tịnh. Thù giặc Pháp xâm lược, ngay thời niên thiếu, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Nguyễn Tùng Châu (sinh 1931) đã khai tăng tuổi để được tham gia đánh Pháp. Ở Quân giới Liên khu V, ông chuyên sửa chữa súng, đạn, chế tạo bom mìn, lựu đạn, sản xuất các loại súng Bazoka, SKZ… Năm 1949 khi mới 18 tuổi ông đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và cũng tập kết ra Bắc năm 1954.
Từ ngưỡng mộ, cảm phục, bà đã yêu ông, dù khoảng cách tuổi tác giữa hai người là 10 tuổi. Năm 1961, ông Châu là một trong 75 sinh viên khóa cơ khí đóng tàu thủy đầu tiên của Trường Đại học Giao thông vận tải; bà Hơn học tại Trường Trung cấp Thương nghiệp. Tốt nghiệp bà về công tác tại Quảng Ninh, ông về Ty Đăng kiểm Hải Phòng làm công việc nghiệm thu những con tàu xuất xưởng Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, kịp thời phát hiện lỗi kỹ thuật, đảm bảo những con tàu đúng quy cách, kỹ thuật theo Luật Hàng hải trước khi cho hạ thủy. Đến năm 1966, sau 6 năm yêu nhau, đợi chờ, ông bà mới nên duyên vợ chồng. Con trai đầu lòng ra đời, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, tháng 4/1967 ông được cử đi học tập nghiên cứu tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ở nơi sơ tán, cuộc sống bộn bề khó khăn, mới sinh nở bà phải lội xuống ao giặt giũ, không kiêng cữ nên khi tuổi già vừa đến cũng là lúc bệnh phong tê thấp hành hạ làm bà đi lại khó khăn mấy chục năm rồi.
Ông Châu về nước sau thời gian dài học tập, năm 1971 cô con gái thứ 2 ra đời, niềm vui đủ nếp, đủ tẻ, họ dừng lại không sinh thêm con nữa để cuộc sống đỡ vất vả. Đất nước thống nhất, được chuyển công tác vào Đà Lạt, bà công tác tại Xí nghiệp vận tải Lâm Đồng, ông làm Giám đốc Sở Công nghiệp cho đến ngày nghỉ hưu. Là người không ngừng học hỏi, giỏi 3 thứ tiếng Pháp, Trung Quốc, Đức, thấu hiểu giá trị của tri thức, nên ở cương vị nào ông Châu cũng quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, luôn thương quý, tạo mọi điều kiện cho cấp dưới được học tập nâng cao trình độ để kiến thiết đất nước.
46 năm gắn bó với Đà Lạt, trải qua thời bao cấp, từng xếp hàng mua gạo từ nửa đêm ở kho lương thực (hiện là Khu chung cư Dinh I), khi nhớ về những ngày 21 năm sống trên đất Bắc, bà Hơn cười hiền: “Kỷ niệm lớn nhất không phải là những ngày gian khó mà là ba mẹ nói rặc giọng Quảng Ngãi, mà giờ đây 2 đứa con vẫn nói tiếng Bắc”...
Con chăm cha không bằng bà chăm ông
Ra xã hội ông chính trực, rộng lượng, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm. Về nhà, ông là người chồng, người cha hiền từ, mẫu mực. Ông ít nói nhưng nóng tính; biết vậy, bà luôn nhường nhịn, làm nên tổ ấm hòa thuận, bền vững. Năm 1995 nghỉ hưu, ông viết truyện ngắn, trong đó những trang văn luôn khắc họa hình ảnh của người vợ hiền đảm đang, thủy chung, sắt son.
Từ những học sinh nghèo hay chữ của miền quê Sơn Tịnh - Quảng Ngãi ông đi vào rừng làm cách mạng, được Nhà nước cho ăn học đến nơi đến chốn, về già trở thành nhà văn. 72 năm tuổi Đảng, đi dọc 2 cuộc chiến tranh, suốt đời chỉ cống hiến, hy sinh, sống liêm khiết, chẳng nhận phần hơn về mình. Trở về đời thường với cuộc sống của ông bà thanh đạm, giản dị. Ngôi nhà nhỏ một trệt một lầu, bước vào là nơi ông nằm dưỡng bệnh, bên cạnh là giường của bà, vừa là phòng ngủ vừa là phòng tiếp khách, phía trong là không gian bếp nhỏ dường như lúc nào cũng có hơi ấm. Từ ngày ông bị tai biến, phải nằm một chỗ, mỗi ngày bà lo chăm chút kỹ lưỡng 4 bữa ăn cho ông. Cháo do tự tay bà xay rau, củ, quả; sữa, trái cây, mọi thức ăn cho ông luôn ấm nóng. Mỗi lần đứng lên, ngồi xuống, di chuyển đều nặng nhọc; nhưng đút cho ông ăn còn khó khăn hơn. Ông mỗi ngày mỗi yếu, ăn ít, vừa ăn vừa mím miệng lại bảo “thôi”, bà lại kiên trì ép, dỗ dành như con trẻ, chỉ một chén cháo thôi mà mỗi bữa bà đút cho ông phải mất đến 1,5 tiếng đồng hồ mới hết. Bà mong ông ăn để khỏe mạnh, để sống bên nhau thêm ngày nào thì biết ngày ấy.
Hai con đã trưởng thành, nhưng đều có cuộc sống riêng, phải lo cho các cháu còn nhỏ, bà cố chăm ông để con yên tâm làm việc. Mỗi chiều đến các con mới ghé về vệ sinh cho ông, dọn dẹp, phơi quần áo, phụ giúp những việc bà không thể làm. Hơn 3 năm nằm trên giường, lúc nhớ, lúc quên, nhưng ông vẫn nhận ra nhiều người, có lúc rất minh mẫn. Rảnh rỗi bà lại ngồi bên đọc sách cho ông nghe, ông rất vui khi nghe bà đọc các tác phẩm mới của bạn văn đăng trên Tạp chí Lang Bian. Ai đến ông cũng đưa cánh tay phải lên trán chào trang nghiêm với dáng vẻ hài hước như những ngày còn khỏe.
Vẹn nghĩa nước trọn tình nhà, 55 sống bên nhau, đạo nghĩa vợ chồng của bà Trần Thị Hơn và ông Nguyễn Tùng Châu khiến nhiều người cảm động.
QUỲNH UYỂN