Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong mùa dịch

07:06, 01/06/2021

Hôm nay, ngày 1/6, Ngày Tết Thiếu nhi là ngày lễ vì thiếu nhi, vì tương lai con em chúng ta. Đồng thời, ngày này nhắc nhở chúng ta,...

Hôm nay, ngày 1/6, Ngày Tết Thiếu nhi là ngày lễ vì thiếu nhi, vì tương lai con em chúng ta. Đồng thời, ngày này nhắc nhở chúng ta, nhất là trong đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hãy nỗ lực, làm hết sức mình, với những gì tốt đẹp nhất để chăm sóc, bảo vệ trẻ em - những người chủ đất nước trong tương lai.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận việc nước vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em- Ảnh: Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận việc nước vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em- Ảnh: Tư liệu
 
Bác Hồ luôn quan tâm đến trẻ em
 
Trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận rộn với công việc quốc gia đại sự, vẫn dành sự quan tâm đặc biệt. Mỗi dịp năm học mới, hay Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu…, Bác Hồ thường gửi thư thăm hỏi, động viên khuyến khích.
 
Mùa Thu năm 1945, giữa lúc thù trong, giặc ngoài, nạn đói hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên gửi thư cho các cháu học sinh nhân ngày khai trường. Trong thư, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
 
Chính lời động viên kịp thời nêu trên, lớp lớp các thế hệ học sinh khắc cốt, ghi tâm, ra sức học tập, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu xây dựng, bảo vệ non sông ta, đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để rồi sẽ đến một ngày “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
 
Bác luôn nhắc thiếu niên, thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. Tháng 5 năm 1961, Bác gửi đến thiếu niên, nhi đồng trong cả nước 5 lời dạy quý báu:
 
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
 
Học tập tốt, lao động tốt
 
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
 
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
 
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
 
Bác cũng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ:
 
“Trẻ em như búp trên cành
 
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
 
Chẳng may vận nước gian nan
 
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...
 
Bác căn dặn các bậc làm cha, làm mẹ, mọi người cần quan tâm dành nhiều thời gian, đầu tư nhiều hơn nữa cho thế hệ tương lai của nước nhà: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
 
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai
 
Thực hiện những lời chỉ dạy của Bác, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra đường lối và chính sách chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Đặc biệt, gần đây, trên tinh thần và các quy định về quyền trẻ em của Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc, quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương và 106 điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong xã hội và từng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Hiện nay, trong cả nước có hơn 26 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 27% dân số cả nước. Hầu hết các em đều được đến trường học, chỉ có số ít gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có nhiều tiến bộ, nhất là bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỉ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm…
 
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém.  Không ít trẻ em bị suy dinh dưỡng, đồng thời đạo đức, lối sống trong một bộ phận trẻ em xuống cấp, lệch chuẩn, nhất là do tác động tiêu cực từ trang mạng ngoài luồng, game bạo lực... đang trở thành nỗi lo của gia đình, xã hội. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, nhất là bạo lực học đường, bị lạm dụng sức lao động vẫn còn.
 
Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh vẫn là những vấn đề bức xúc. Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu, nhất là ở các đô thị.
 
Vẫn còn không ít tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, so với trẻ em vùng khác còn khoảng cách khá xa. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em ở nông thôn, còn hạn chế.
 
Đặc biệt, hiện nay, đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Nhân ngày Tết Thiếu nhi 1/6, nhắc nhở chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa, nỗ lực làm hết sức mình và dành những điều tốt đẹp nhất để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thế hệ sẽ làm chủ nước nhà trong tương lai; bảo đảm cho trẻ em được thực hiện các quyền của mình, nhất là các quyền được chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục, học tập, vui chơi, giải trí; không bị bạo lực, bạo hành, bóc lột…
 
Trong đó, các địa phương, ngành chức năng cần ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Khi lập các dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở phải dành diện tích tương xứng để xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em. Chú trọng bố trí tăng nguồn tài chính cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nhất là ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
 
Đồng thời, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp cho các hoạt động, công trình dành cho trẻ em.
 
(Theo chinhphu.vn)