Đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lâm Hà luôn chủ động trong việc xây dựng, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phong trào...
Đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Lâm Hà luôn chủ động trong việc xây dựng, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phong trào. Trong đó, đặc biệt ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ từ cơ sở đã luôn tận tâm, tận lực, hết mình cống hiến vì sự tiến bộ của phụ nữ.
|
Đại hội Hội LHPN ở cơ sở đã chọn ra những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình với phong trào phụ nữ địa phương |
Gắn bó với công tác hội hơn 15 năm nay, bà Bùi Thị Hồng - Chi hội trưởng phụ nữ thôn Gan Thi (xã Gia Lâm) chẳng thể nhớ hết những kỷ niệm đi kèm những khó khăn, vất vả khi đi từng ngõ, gõ từng nhà, thông báo, vận động chị em hội viên tích cực tham gia các phong trào của phụ nữ địa phương. Cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu km quãng đường có ghi dấu chân của người phụ nữ hao gầy nhưng câu nói “có chị làm em mới tham gia” như là động lực thôi thúc giúp bà tiếp tục gắn bó với công tác hội đến tận bây giờ.
“Quan trọng nhất là khâu tuyên truyền. Cũng là dùng lời nói nhưng mình phải phân tích để chị em hiểu việc tham gia vào tổ chức hội đầu tiên là có sân chơi cho chị em sinh hoạt, tham gia những hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ... nhằm đa dạng hóa đời sống tinh thần sau những ngày giờ lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, là biết thêm những chủ trương, chính sách ưu đãi của Nhà nước, tiếp cận với thông tin, vay vốn phát triển kinh tế… Cùng làng cùng xã, chị em trước là phải gần gũi, hòa đồng với nhau để thắt chặt thêm tình cảm, sau là chỗ dựa tinh thần cùng nhau san sẻ vui buồn cũng như khó khăn”, bà Hồng chia sẻ.
Cả thôn Gan Thi có trên 90 hộ thì hầu hết đều tham gia vào tổ chức hội. Hội viên phụ nữ ở đây thành lập quỹ 10 người giúp 1 người để cùng phát triển kinh tế với số vốn trên 620 triệu đồng. Các chị em duy trì mô hình khuyến học 6 giúp 1 để các gia đình khó khăn có một khoản kinh phí cho con em học đại học. Bên cạnh đó là sửa chữa nhà ở, cho vay con giống, cây giống, ma chay hiếu hỉ… Tất cả nhờ vào nỗ lực của người cán bộ tận tâm, tận tình.
Cán bộ hội ở cơ sở là mối dây liên kết chặt chẽ giữa chính quyền cơ sở với chị em phụ nữ của mọi dân tộc, mọi tôn giáo. Các chị đã thể hiện vai trò hạt nhân nối kết phụ nữ quần chúng chỉ bằng tâm huyết và sự chân tình của mình mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi, giá trị vật chất nào. Chị Vương Thị Phú - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đinh Văn nói: “Mỗi lần có công việc mình cũng phải nhờ các chị, các cô giúp đỡ thông báo cho hội viên. Họ làm việc chỉ bằng tinh thần, trách nhiệm nên đôi lúc cũng chịu nhiều thiệt thòi. Thật sự phải cảm ơn những người đã hy sinh thời gian, công việc gia đình cho phong trào của phụ nữ ở địa phương”.
Chị Nguyễn Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà đánh giá, trong thời gian qua, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch, thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ sở.
Hiện nay, Hội LHPN huyện Lâm Hà có 17 cơ sở hội với 177 chi hội, tổng số trên 18.800 hội viên. Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hướng về tổ chức Hội cơ sở, lựa chọn các nội dung liên quan trực tiếp đến hội viên, phụ nữ, theo nhu cầu của chị em; tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, tích cực phát huy nội lực, tiềm năng, sức sáng tạo, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống - xã hội…
Theo chị Nguyễn Thị Thùy, nhờ phát huy vai trò gương mẫu, sự năng động sáng tạo của cán bộ Hội phụ nữ cơ sở, Hội LHPN các cấp đã triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chăm lo lợi ích thiết thực cho phụ nữ. Nhờ hệ thống cán bộ “chân rết” mà công tác hội ở nhiều địa phương sôi nổi, tạo động lực giúp chị em phụ nữ phát huy tính tự chủ, sáng tạo, tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương; mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tích cực phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, doanh nghiệp nông nghiệp; một số chị em đã đầu tư khôi phục, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống...
Để khuyến khích, động viên tinh thần cho chị em, hằng năm, mỗi cơ sở hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng ít nhất 2 điển hình. Trong 5 năm qua đã giới thiệu được 105 điển hình tập thể và 235 điển hình cá nhân. Nhiều tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu trong công tác, lao động, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên truyền, biểu dương khen thưởng. Với những hoạt động hướng về cơ sở đã tạo điều kiện để nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục vươn lên khẳng định mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.
HỒNG THẮM