Quy chế dân chủ góp phần nâng chất lượng giáo dục

05:06, 09/06/2021

"Phát huy dân chủ trong trường học đã huy động được trí tuệ của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc đóng góp vào chủ trương xây dựng nền nếp cơ quan, đơn vị, trường học...

“Phát huy dân chủ trong trường học đã huy động được trí tuệ của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc đóng góp vào chủ trương xây dựng nền nếp cơ quan, đơn vị, trường học, nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng Huỳnh Quang Long nhận xét. 
 
Hiệu trưởng đối thoại với cán bộ, giáo viên và người lao động
Hiệu trưởng đối thoại với cán bộ, giáo viên và người lao động
 
Xác lập đủ các mối quan hệ
 
Năm học 2020-2021, tỉnh Lâm Đồng có 705 đơn vị trường học gồm: 231 trường mầm non, 245 trường tiểu học, 157 trường THCS, 59 trường THPT, 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Tổng số học sinh, sinh viên là 337.179, tăng 1,84% so với năm học 2019-2020. Toàn ngành có 21.877 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên; trong đó, 1.523 CBQL, 17.682 GV và 2.672 nhân viên. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao. 
 
Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, trước hết, để đạt hiệu quả, các đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động năm, tháng, tuần của đơn vị bám sát kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh và của Bộ GDĐT. Kế hoạch phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và niêm yết thực hiện 3 công khai. Cùng đó, hiện thực bằng việc tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị để tuyên truyền, hướng dẫn. Và lồng ghép những chủ trương của Đảng, Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tiếp theo là dựa vào quy chế làm việc của cơ quan, các đơn vị quy định rõ các mối quan hệ, lề lối làm việc của từng cá nhân, tập thể. Đây cũng là nền tảng để xác lập mối quan hệ giữa lãnh đạo với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Từ đó, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị được phát huy. Mặt khác, quy định mối quan hệ giữa các đơn vị với nhau, tạo mối quan hệ công tác và quan hệ đồng nghiệp dân chủ, đoàn kết, môi trường làm việc thân thiện, có nguyên tắc. Để kịp nắm bắt thông tin nhiều chiều, trường học tổ chức đối thoại trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cũng theo không khí sinh hoạt này, không chỉ Ban giám đốc Sở, trưởng phòng GDĐT mà hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm đều ý thức và nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, tránh được độc đoán, chủ quan để giải quyết công việc hợp tình, hợp lý, khoa học và thấu đáo. 
 
Cũng không chạy theo phong trào bề nổi mà tạo nên được môi trường dân chủ thực chất, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá vừa bằng hình thức độc lập vừa lồng ghép với các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên môn mang nhiều ý nghĩa rất thiết thực… Tất cả các hoạt động trên góp phần quan trọng để nâng chất lượng và hiệu quả công việc nói chung, chất lượng giáo dục nói riêng. Được biết, đầu tháng 4/2021, Sở GDĐT Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 258 về QCDC cơ sở và dân vận chính quyền năm 2021. 
 
Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho biết: “Nhờ làm tốt công tác dân chủ cơ sở mà nền nếp, kỷ cương của các đơn vị, trường học được đảm bảo, tạo sự đoàn kết trong nội bộ nhà trường, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và xã hội”. Được biết, hiện nay thủ tục hành chính lĩnh vực GDĐT cấp tỉnh là 78 thủ tục, cấp huyện 40 thủ tục và cấp xã 5 thủ tục. Theo báo cáo của Sở GDĐT, đến ngày 21/5/2021, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở này tiếp nhận và xử lý 235 hồ sơ. Kết quả giải quyết được 234 hồ sơ và 100% đều trước thời hạn; chỉ còn một hồ sơ đang giải quyết và còn trong hạn. Không có phát sinh ý kiến kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với giải quyết thủ tục hành chính. Là một ngành liên quan rất rộng với xã hội, do đó, vấn đề giải quyết những nguyện vọng, bức xúc chính đáng của phụ huynh, học sinh và Nhân dân đã được nhận thức và quán triệt sâu sắc trong toàn ngành GDĐT. Nhờ vậy, các vụ liên quan đến khiếu nại, tố cáo được giải quyết dứt điểm, kịp thời và đúng quy định nên đã hạn chế tối đa phát sinh đông người và vượt cấp...
 
Phát huy quyền làm chủ của đội ngũ
 
Thực hiện QCDC cơ sở trong ngành GDĐT thời gian qua đã đạt hiệu quả tốt, thật sự phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Những hệ quả tốt của việc thực hiện này thể hiện ở chỗ, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có chuyển biến nhiều; kỷ cương, kỷ luật tăng cường; cơ quan đoàn kết, tập thể đồng thuận… Tuy nhiên, cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành còn chậm về nhận thức và quá trình lĩnh hội nội dung các văn bản hướng dẫn thực hiện còn thụ động. Lãnh đạo Sở GDĐT cũng nhận xét: Việc triển khai cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện QCDC cơ sở vẫn còn ít, chất lượng chưa cao; việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa thường xuyên, chưa được quan tâm đúng mức. Một số công chức, viên chức vẫn chưa ý thức sâu sắc được quyền làm chủ của mình, vì thế mà một số bộ phận còn coi nhẹ quyền “được biết, được bàn, được làm, được giám sát và được kiểm tra”; chưa mạnh dạn đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực một cách tích cực. Nguyên nhân là năng lực hạn chế, ngại nghiên cứu và tâm lý ngại va chạm, e dè ở một số công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát cũng còn những lúc những nơi chưa được thực hiện một cách thường xuyên và sát sao. Thiết nghĩ, tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được trong thực hiện QCDC cơ sở, các cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cần thực hiện hiệu quả Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT về quy chế thực hiện công khai. Mục tiêu như Điều 2 ghi rõ: “Thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật. Thực hiện công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo”.
 
MINH ĐẠO