Xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn

05:06, 08/06/2021

"Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025" là Nghị quyết số 35 ngày 4/6/2019 của Chính phủ...

“Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2019-2025” là Nghị quyết số 35 ngày 4/6/2019 của Chính phủ. Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo với nhiều văn bản, nhưng cũng như các địa phương khác trên toàn quốc, kết quả công tác xã hội hóa trong GDĐT vẫn chưa đạt được như mong muốn. 
 
Trường Mầm non Hiển Linh (Đà Lạt) là mô hình trường ngoài công lập thu hút nhiều học sinh
Trường Mầm non Hiển Linh (Đà Lạt) là mô hình trường ngoài công lập thu hút nhiều học sinh
 
Xã hội hóa góp phần nâng chất lượng giáo dục 
 
Mục tiêu chung của xã hội hóa (XHH) GDĐT là tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển GDĐT, nâng cao chất lượng GDĐT nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Tinh thần này cũng được thể hiện ở tỉnh Lâm Đồng từ các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo trước đây, như Chương trình hành động số 74-CTr/TU ngày 11/2/2014 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 5477/KH-UBND ngày 15/9/2015 của UBND tỉnh và Nghị quyết chuyên đề số 13-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy…
 
Trong 3 năm, từ 2014 - 2016, về quy hoạch mạng lưới trường lớp, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt trên địa bàn 12/12 huyện, thành phố. Và 3 năm sau đó, 2017 - 2019, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh đến năm 2020 tại một số địa phương như các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đơn Dương, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Theo đó, kết quả huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GDĐT trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2019 (năm học 2019 - 2020) số lượng đơn vị trường học ngoài công lập được cấp phép hoạt động là 64 trường; trong đó, mầm non 59 trường, tiểu học 2 trường và THPT 3 trường. So với năm 2018, tăng 2 trường (đều thuộc ngành học mầm non). 
 
Hệ thống trường ngoài công lập không đạt chỉ tiêu 
 
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong quá trình triển khai công tác XHH GDĐT ở Lâm Đồng là tốc độ chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng đặt ra từ Nghị quyết số 38/2011 của HĐND tỉnh. Thực tế cho thấy chỉ có khu vực đô thị như thành phố, thị trấn phát triển được hệ thống trường ngoài công lập. Toàn tỉnh trong 5 năm, từ 2015 - 2020, số lượng học sinh ngoài công lập so với tổng học sinh đạt tỷ lệ 6,49% (năm học 2015 - 2016) và 7,18% (năm học 2019 - 2020). Như vậy so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020, tỷ lệ học sinh ngoài công lập năm học 2019 - 2020 không đạt. Cụ thể, nhà trẻ đạt 68,88% (chỉ tiêu 80%); mẫu giáo 25,38% (chỉ tiêu 30%); tiểu học 0,54% (chỉ tiêu 1%); THCS 0,24% (chỉ tiêu 1,5%) và THPT 3,16% (chỉ tiêu 8%). 
 
Theo Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải, “một số cơ chế, chính sách XHH chưa đồng bộ, kịp thời như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, đặc biệt quỹ đất công hầu như không có để giao hoặc cho thuê với nhà đầu tư”. Thực trạng này cũng được nhiều trưởng phòng GDĐT nêu lên tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh vừa qua. Cùng đó là một số cơ chế, chính sách khuyến khích XHH đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa được triển khai áp dụng kịp thời, đầy đủ như đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thuê nhà và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay đầu tư, đào tạo nhân lực.
 
Giải pháp từ tổng thể đến cụ thể 
 
Trước hết, không xem XHH chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của Nhân dân, đồng thời cũng không thể dựa vào ngân sách nhà nước theo tư tưởng bao cấp. Trong lúc cơ chế cụ thể chuyển đổi mô hình trường bán công sang trường công lập hoặc tư thục chưa có, nhất là về tài sản. Tồn tại này dẫn đến không chuyển trường bán công sang trường tư thục mà chuyển sang trường công lập, do đó tỷ lệ học sinh ngoài công lập giảm, gánh nặng ngân sách nhà nước càng tăng. Cùng với đó, thu hút đầu tư XHH chưa đặt vào danh mục dự án ưu tiên; trong lúc thu hồi vốn chậm, càng không mặn mà đối với nhà đầu tư. Cũng phải hiểu, chủ trương XHH giáo dục và khả năng triển khai thực tế còn vướng mắc là tình hình chung trên cả nước đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lên tại buổi làm việc với Bộ GDĐT ngày 6/5/2021.   
 
Giải pháp mà Nghị quyết 35 của Chính phủ đưa ra bao gồm: Hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông. Tại buổi làm việc với ngành GDĐT Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát quỹ đất dành cho giáo dục để xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác XHH giáo dục theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; trình UBND tỉnh trong tháng 6/2021. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cũng yêu cầu các UBND huyện, thành phố tổ chức khảo sát, lựa chọn trường có chất lượng, đủ các điều kiện cần thiết (mỗi huyện, thành phố chọn ít nhất một trường) để chuyển sang loại hình ngoài công lập, nhằm đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GDĐT và cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết XI của tỉnh Đảng bộ. Chúng tôi cũng trao đổi với nguyên Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thành viên Đoàn Giám sát về GDĐT của Tỉnh ủy tháng 5 vừa qua, ông cho rằng: Đối với XHH giáo dục, Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan cần tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực; sự vào cuộc của doanh nghiệp, cá nhân xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, huy động sự đóng góp của Nhân dân. Ông Nguyễn Xuân Ngọc cũng đề nghị ngành GDĐT phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Một thực tế qua tìm hiểu tại một số trường THPT công lập vùng kinh tế - xã hội thuận lợi trên địa bàn Lâm Đồng, chúng tôi nhận được tâm tư của nhà trường đó là vấn đề trao quyền tự chủ cho trường còn rất hạn chế, nhất là tài chính trong thực hiện XHH. Đổi mới công tác quản trị nhà trường phổ thông theo hướng tự chủ, có sự tham gia của đại diện cộng đồng là vấn đề cần thực hiện sớm.
 
MINH ĐẠO