(LĐ online) - Sáng 16/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì.
(LĐ online) - Sáng 16/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Đức Thuận – Phó Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
|
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế |
Số mắc tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, đợt dịch thứ 4 trong nước đã ghi nhận 37.998 ca tại 58 tỉnh, thành phố; trong đó, có 37.288 ca trong nước (98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (20%), 172 ca tử vong.
Có 12 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Cạn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.
Nhận định tình hình dịch tại Việt Nam: Biến chủng mới có nguồn gốc từ Ấn Độ, số mắc tăng nhanh, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Ca mắc trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu chợ dân sinh trên địa bàn thành phố và lây lan sang một số địa phương lân cận.
Dự báo trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố khác tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc khu vực phía Nam (Bình Dương, Long An, Đồng Nai…) cũng sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm; nhiều người đã di chuyển ra khỏi khu vực có dịch trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Kiên trì 5 nguyên tắc phòng chống dịch
Bộ Y tế giữ vững chiến lược kiên trì 5 nguyên tắc phòng chống dịch gồm: Phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng - dập dịch, điều trị hiệu quả. Tiếp tục chiến lược 5K + vắc xin.
Hoạt động phòng chống dịch trọng tâm trong thời gian tới với mục tiêu: Quyết tâm đẩy lùi dịch; bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân; giữ vững an ninh, an toàn, kiểm soát chặt biên giới, khu phong tỏa; bảo vệ khu công nghiệp; nhanh chóng ổn định tình hình.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; trong đó, chú trọng công tác giám sát, phát hiện sớm để cách ly, khoanh vùng kịp thời; tiếp tục củng cố năng lực giám sát của đội đáp ứng nhanh, đội truy vết; thực hiện nghiệm việc giãn cách, phong tỏa, khoanh vùng, cách ly; sẵn sàng khi có F0, tình huống lan rộng ca F0; kiểm soát người về từ địa phương có dịch; đánh giá nguy cơ dịch bệnh theo 4 cấp độ và theo cấp hành chính từ tỉnh, huyện đến xã theo QĐ 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021; triển khai chiến lược mới về cách ly y tế: Giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống còn 14 ngày cho các đối tượng F1, người nhập cảnh, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo. Thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn tạm thời cho đối tượng F1. Sau khi thí điểm, Bộ Y tế tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.
Về phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, tổ chức phổ biến, tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo tiêu chí an toàn Covid-19 các nhóm cơ sở trong cộng đồng như cơ sở y tế, trường học, khách sạn, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hộ gia đình, khu chung cư.
Sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống mới xảy ra: Rà soát, đánh giá các bài học chống dịch vừa qua. Xây dựng kịch bản tình huống dịch bệnh lan rộng để không bị động; cập nhật kế hoạch đáp ứng, tập huấn cán bộ; kiện toàn đội đáp ứng nhanh, tổ truy vết, tổ Covid-19; sẵn sàng mở rộng khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; sẵn sàng về nhân lực, tét kít xét nghiệm, vật tư chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Các tỉnh cần đẩy nhanh tiêm vắc xin: Chiến dịch tiêm vắc xin đối với địa bàn có dịch ưu tiên đối tượng trên 65 tuổi, bệnh nền, tuyến đầu. Đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, ưu tiên do UBND tỉnh, thành phố quyết định. Rà soát tất cả cơ sở tiêm chủng, đăng tải công khai cho dân biết; rà soát, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, dây chuyền lạnh… Tập huấn an toàn tiêm chủng; có danh sách cụ thể cán bộ cho từng điểm tiêm; tổ chức điểm tiêm cố định, di động: giãn cách, theo giờ; theo cụm gia đình…
Về công tác hậu cần chống dịch: Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, đẩy mạnh thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng đáp ứng nhanh, kịp thời khi có dịch, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn. Chuẩn bị cơ sở cách ly nhiều hơn. Chuẩn bị cơ sở điều trị (theo 3 cấp). Chuẩn bị phòng hồi sức cấp cứu (ICU) riêng để cấp cứu bệnh nhân nặng; rà soát lại máy thở, O2; các địa phương chuẩn bị test kit xét nghiệm đầy đủ.
Tăng cường truyền thông: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không tụ tập đông người. Truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Về Quy trình xét duyệt nhập cảnh chuyên gia, người nước ngoài, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xem xét quyết định phê duyệt: Danh sách chuyên gia nước ngoài và thân nhân; các trường hợp người nước ngoài thuộc thẩm quyền cho nhập cảnh của UBND tỉnh (gồm: học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại các trường của tỉnh/thành phố; các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo, khẩn cấp, điều trị tại địa phương ...); phê duyệt cho phép chuyên gia nước ngoài và thân nhân, người nước ngoài được cách ly tại địa phương; triển khai công tác cách ly, giám sát y tế, hoạt động của chuyên gia và thân nhân, người nước ngoài trong thời gian vào làm việc tại địa phương; định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia theo quy định.
AN NHIÊN