Có một Tây Bắc giữa Nam Tây Nguyên

05:07, 22/07/2021

Không chỉ đến một miền đất mới (thôn Tân Nghĩa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) để lập nghiệp, đồng bào các dân tộc Tây Bắc di cư vào mảnh đất Tây Nguyên...

Không chỉ đến một miền đất mới (thôn Tân Nghĩa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) để lập nghiệp, đồng bào các dân tộc Tây Bắc di cư vào mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió ngoài mong ước có cuộc sống tốt đẹp hơn, họ còn mang theo nét văn hóa của cha ông, góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn hóa các dân tộc nơi đây. 
 
Những điệu múa Tây Bắc được biểu diễn ở lễ hội thác Pongour
Những điệu múa Tây Bắc được biểu diễn ở lễ hội thác Pongour
 
Xa quê nhưng không xa bản sắc
 
Mưu sinh trên những triền núi cao, bên những dòng suối mát lành, đồng bào vùng cao Tây Bắc từ lâu đã hình thành một vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc và riêng biệt. Trong quá trình chinh phục vùng đất Nam Tây Nguyên, tạo dựng cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp, những thế hệ người Tây Bắc vẫn động viên nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông như Lễ Lòng tồng (Lễ xuống đồng), Cúng Thổ công, Cầu mùa… hay hội đàn Tính, hát Then, ném còn, bắn nỏ cùng các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, lẩy cỏ, hội thi ẩm thực, cắm trại… Các hoạt động văn hóa mang đậm nét Tây Bắc này được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần vào dịp lễ hội thác Pongour.
 
Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Tây Bắc, ông Lý Chánh Thành ở xã Tân Thành (Đức Trọng) từ nhiều năm nay đã sưu tầm và lưu giữ những trang phục, điệu múa của nhiều dân tộc, đặc biệt là điệu múa Thái trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Ông Thành chia sẻ: Là một người dân tộc Tày và đặc biệt yêu văn hóa Tây Bắc, trong đó có văn hóa Thái, nên tôi ý thức rất sâu sắc về việc giữ gìn bản sắc truyền thống quê hương mình. Qua nhiều năm nghiên cứu và tích lũy vốn văn hóa dân tộc Thái, năm 1990, tôi bắt đầu truyền dạy các bài múa cho đội văn nghệ xã Tân Thành, chủ yếu là các bài múa: Khăn, quạt, nón,... Sau những ngày làm việc vất vả hay mỗi khi nông nhàn, chúng tôi lại tụ họp vào các buổi tối để tập văn nghệ. Phong trào ấy giờ phát triển rộng khắp từ già tới trẻ, ai cũng nhiệt tình tham gia tập múa, hát, đặc biệt ngày nay có thêm điệu dân vũ đã thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn, nhất là giới trẻ. 
 
Ông Hoàng Văn Quỳnh, Trưởng thôn Tân Nghĩa cho biết: Tân Nghĩa là thôn thuần nông với dân số hơn 1.000 khẩu, 216 hộ gồm rất nhiều các dân tộc anh em như: Kinh, Thái, Mơ Nông, Tày, Nùng, Dao…; trong đó, chủ yếu là cộng đồng người Thái, Tày, Nùng từ phía Bắc vào đây định cư. Sinh hoạt văn hóa dân gian được cấp ủy đảng, chính quyền xã Tân Thành xác định là tiền đề để tiến tới triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, địa phương đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa hát múa, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến dự. Qua các hoạt động này, cộng đồng các dân tộc có dịp được giao lưu, khắc sâu tinh thần đoàn kết và giữ vững những nét văn hóa tín ngưỡng lành mạnh… 
 
Bản sắc mới trên quê hương thứ hai
 
Ngoài gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, người Tây Bắc ở Tân Nghĩa còn xây dựng một đời sống mới, họ nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống, phương thức canh tác mới, luôn cần cù, sáng tạo và tích cực lao động sản xuất, nhằm xây dựng một cuộc sống ấm no hơn tại “quê hương thứ hai” của mình.
 
Người dân Tân Nghĩa có truyền thống làm nông nghiệp lâu đời, canh tác ruộng nước và các loại hoa màu trên rẫy. Cùng với trồng trọt, họ còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bằng cách áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất tạo thu nhập cao và ổn định cho gia đình, cuộc sống của các cư dân đã dần thay đổi. 
 
Qua rồi cái thời ăn bữa nay lo bữa mai, cuộc sống vật chất, tinh thần của người thôn Tân Nghĩa ngày nay đã thực sự thay da đổi thịt. Trên những con đường nhựa bằng phẳng, những ngôi nhà xây khang trang mọc san sát nhau. 
 
Đức Trọng thực sự đã trở thành quê hương thứ hai của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, từ già, trẻ đến gái, trai đều gắng sức chung tay xây dựng vùng đất này ngày càng phát triển, trù phú. Trên khắp các xóm làng, nhà nhà đều thực hiện “5 không, 3 sạch”, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Chẳng cần phải nhắc nhở, ai nấy đều tự nguyện góp đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư văn minh, trật tự ổn định. 
 
Bà Đồng Thị Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, văn hóa là nguồn cội, hồn cốt của dân tộc, cùng với ý thức chủ động gìn giữ của người dân. Cộng đồng người Tây Bắc ở Tân Nghĩa đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt không lẫn với bất cứ cộng đồng khác, góp phần làm đa dạng trong bức tranh đa dân tộc của tỉnh Lâm Đồng. Trên quê hương mới, đời sống của bà con đang có những đổi thay tích cực, bà con yên tâm bám đất, bám bản để ổn định sản xuất, từng bước xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
 
HOÀNG YÊN