Đảm bảo giao thông thông suốt, hàng hóa thiết yếu đầy đủ

11:07, 18/07/2021

(LĐ online) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương...

(LĐ online) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương; đồng thời, chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế sẵn sàng các kịch bản đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lên phương án phân luồng giao thông bảo đảm thông suốt và tăng cường nhân lực, thiết bị, sinh phẩm chống dịch cho các tỉnh. 
 
Hàng hóa dồi dào tại Siêu thị Coop Mart Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
Hàng hóa dồi dào tại Siêu thị Coop Mart Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
 
Sẵn sàng các kịch bản đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Công thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố. 
 
“Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định. 
 
Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống. 
 
Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc điểm tình hình khác nhau, nên Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân. 
 
Đơn cử như TP Hồ Chí Minh đang dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, phải tăng giờ bán lên hàng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. 
 
Mặt khác, một mô hình đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post. Thời gian tới, chúng ta phải có sự phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phục vụ người dân. 
 
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng với kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương. Bộ Công thương làm hết sức mình để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân. Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương. 
 
Phương án phân luồng giao thông bảo đảm thông suốt
 
Rút kinh nghiệm từ hoạt động điều phối giao thông liên tỉnh thời gian qua có tắc nghẽn cục bộ, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp điều hành, tổ chức lại việc phân luồng, phân tuyến, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR thống nhất với các địa phương để bảo đảm các xe vận tải hàng hóa được lưu thông trong khu vực có dịch và không có dịch. 
 
Triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg theo văn bản mới nhất của Thủ tướng, Bộ đã phân lại luồng, quy định cụ thể để bảo đảm giao thông trong khu vực 19 tỉnh, thành phố luôn suôn sẻ và tổ chức giao thông giữa 19 tỉnh, thành phố với các địa phương khác bảo đảm thông suốt. Bộ cũng cử cán bộ phối hợp với ngành y tế để xét nghiệm nhanh các lái xe ngay tại chốt kiểm soát tại các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận.
 
Theo quy định của Bộ Y tế, những người đi trên phương tiện vận tải phải có kết quả xét nghiệm âm tính, khi chưa có kết quả xét nghiệm thì tổ chức xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát khi ra, vào vùng dịch. 
 
Hiện nhu cầu xét nghiệm của lái xe, phụ xe và người đi trên xe rất cao, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các Sở Y tế để khẩn trương thống kê, tổ chức xét nghiệm cho các lái xe có nhu cầu.  Hiện thời gian có hiệu lực của kết quả xét nghiệm là 3 ngày, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế sẽ phối hợp để xem xét điều chỉnh thời gian hiệu lực phù hợp với tình hình. 
 
Việc thực hiện luồng xanh hàng hóa còn bất cập tại một số nơi. Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải giao các Sở Giao thông Vận tải cấp mã QR cho các xe, tuy nhiên, việc này thực hiện còn chậm. Từ ngày 19/7, Bộ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức cấp mã QR để giúp các doanh nghiệp và lái xe được cấp nhanh, lưu thông nhanh hơn. 
 
Tăng cường nhân lực, thiết bị, sinh phẩm chống dịch cho các tỉnh
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, Bộ Y tế đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, chủ động phối hợp với các các địa phương, các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. 
 
Khi dịch xảy ra, Bộ chịu trách nhiệm chính về con người, nhân lực cho truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị và các công tác khác. Đồng thời, Bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men và các sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa. 
 
Tóm lại, Bộ và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, sinh phẩm để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong chống dịch thời gian tới.
 
PV