Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) - gọi tắt là Chương trình mới - được triển khai trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2020-2021...
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) - gọi tắt là Chương trình mới - được triển khai trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2020-2021. Có thể hiểu, đây là trang mới trong phát triển nền giáo dục nước nhà, thực hiện theo Luật Giáo dục 2019, Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT) và Nghị định số 71 của Chính phủ về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên...
Bài 1: Thực trạng về đội ngũ và mục tiêu của Lâm Ðồng
Tại thời điểm này, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Lâm Đồng đã hội đủ nhiều yếu tố là điểm sáng, như tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, vượt khó khăn vươn lên… Dĩ nhiên, trong “con thuyền lớn” chở khối lượng tri thức đó, còn phải đòi hỏi tiếp tục về trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, về năng lực chuyên môn ở một số cán bộ quản lý cũng như giáo viên, về cơ cấu giáo viên để đáp ứng Chương trình mới...
|
Giáo viên Lâm Đồng tập huấn CT GDPT 2018 lớp 2 của năm học 2021-2022 |
Đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn 82,8%
Toàn tỉnh Lâm Đồng tại thời điểm đầu tháng 7/2021 có tổng số cán bộ quản lý giáo dục (CBQL) và giáo viên (GV) - tạm gọi là đội ngũ làm giáo dục, là 18.410 người; trong đó, CBQL có 1.508 người và GV có 16.902 người. Chia theo bậc học, giáo dục Mầm non 3.845 người; giáo dục Tiểu học 6.608 người; giáo dục THCS 5.141 người và giáo dục THPT 2.816 người.
Về trình độ đào tạo, giáo dục Mầm non trên chuẩn (trình độ đào tạo thạc sĩ, đại học) đạt tỷ lệ rất cao, với 69,83%; đạt chuẩn (trình độ đào tạo cao đẳng) tỷ lệ 23,64% và chưa đạt chuẩn 6,53%. Giáo dục Tiểu học trên chuẩn (thạc sĩ) tỷ lệ 0,3%; đạt chuẩn (đại học) tỷ lệ 70,2%, tuy nhiên số chưa đạt chuẩn (cao đẳng, trung cấp) còn 29,5%. Đối với giáo dục THCS, trên chuẩn (thạc sĩ) tỷ lệ 1,3%; đạt chuẩn 79,8% và chưa đạt chuẩn 18,9%. Đối với THPT, trình độ đào tạo tiến sĩ, CBQL 0,6% và GV 0,1%; trình độ thạc sĩ, CBQL 52,3% và GV 11,9%; trình độ đại học, CBQL 47,1% và GV 88%. Tính chung toàn ngành, đội ngũ người làm giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn tỉnh Lâm Đồng hiện đạt 82,8% là con số đáng để ghi nhận và trân trọng. Dĩ nhiên ngành và các cá nhân tiếp tục, tích cực các nhiệm vụ và giải pháp để giảm dần tỷ lệ chưa đạt chuẩn (17,2%). Mặt khác, khi triển khai CT GDPT 2018, thực tiễn ở Lâm Đồng cho thấy còn bất cập về cơ cấu GV theo môn học ở bậc Tiểu học và THCS.
Mục tiêu năm, mười năm tới
Đây là vấn đề đã đặt ra tại Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Lâm Đồng tại Quyết định số 1750 ngày 8/7/2021 của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án). Trước hết, hàng năm tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu GV theo nhu cầu cho các cơ sở giáo dục. Mặt khác, đạt tỷ lệ 100% về đội ngũ làm giáo dục từng lĩnh vực như: chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; được bồi dưỡng năng lực triển khai CT GDPT 2018; đội ngũ cốt cán được bồi dưỡng năng lực để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại trường học; bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GDĐT tổ chức; hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp…Cùng đó, ít nhất 90% đạt từ mức độ Khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng về năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin…
Theo Đề án, giai đoạn 2021 - 2025, đối với giáo dục Mầm non 100% đội ngũ làm giáo dục có trình độ đạt chuẩn; trong đó, 3,5% CBQL có trình độ đào tạo thạc sĩ trở lên, 78% GV có trình độ đào tạo đại học trở lên. Đối với giáo dục Tiểu học, 100% CBQL và 85% GV trình độ đại học; trong đó phấn đấu 4% CBQL và 1% GV trình độ thạc sĩ trở lên. Ở THCS, 100% CBQL và 90% GV trình độ đại học; trong đó phấn đấu 12% CBQL và 1,5% GV trình độ thạc sĩ trở lên và ở THPT có 60% CBQL, 13% GV trình độ thạc sĩ trở lên.
Đến thời điểm tháng 12 năm 2030, đối với giáo dục Mầm non, phấn đấu đạt 5% CBQL có trình độ đào tạo thạc sĩ trở lên, 90% GV có trình độ đào tạo đại học trở lên; đối với giáo dục Tiểu học, 100% GV có trình độ đại học, trong đó phấn đấu 5% CBQL, 2% GV trình độ thạc sĩ trở lên. Đối với THCS, 100% GV có trình độ đại học, trong đó phấn đấu 15% CBQL và 3% GV trình độ thạc sĩ trở lên; đối với THPT, phấn đấu 70% CBQL và 15% GV có trình độ thạc sĩ trở lên. Ngoài ra, tỷ lệ GV/lớp từ Mầm non đến THPT đều đảm bảo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015 ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017 ngày 12/7/2017 của Bộ GDĐT. Đặc biệt, đích đến là toàn tỉnh có 100% các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo đúng Chương trình mới , điều mà năm học 2020-2021 mới chỉ áp dụng được 100% đối với lớp 1 và chỉ một số % chưa cao ở các lớp khác bậc Tiểu học.
(CÒN NỮA)
MINH ĐẠO