Kết thúc năm học đối với lớp 1 ở tỉnh Lâm Đồng đã hiện hữu những kết quả đầy khích lệ, cùng đó là nhiều bài học từ bước đệm quan trọng nhất.
[links()]
Bài 2: “Mở màn” cho một quá trình
Kết thúc năm học đối với lớp 1 ở tỉnh Lâm Đồng đã hiện hữu những kết quả đầy khích lệ, cùng đó là nhiều bài học từ bước đệm quan trọng nhất.
|
Học sinh tiểu học dân tộc Mạ điểm trường Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh |
Những kết quả khả quan
Năm học 2020 - 2021, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng có 37.482 em, chiếm tỷ lệ 29,1%. Kết quả học sinh lớp 1 chung toàn tỉnh áp dụng CT GDPT 2018, có 25.921 học sinh đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 95,61%; số chưa hoàn thành là 762 em, chiếm tỷ lệ 4,39%. Đánh giá về phẩm chất, (Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ; Trung thực và Trách nhiệm), học sinh Lâm Đồng đạt mức tốt chiếm tỷ lệ từ gần 69% đến gần 80%; mức đạt từ gần 20% - trên 30%; mức cần cố gắng từ 0,13% - 0,75%. Về năng lực, ở Năng lực chung (Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo), mức tốt từ 62% - 65,5%; mức đạt từ trên 32% - gần 36%; mức cần cố gắng ở mặt Tự chủ và tự học chiếm tỷ lệ 1,81%, Giao tiếp và hợp tác chiếm 1,52% và ở Giải quyết vấn đề và sáng tạo chiếm cao nhất (1,89%). Về Năng lực đặc thù (Ngôn ngữ; Tính toán; Thẩm mĩ; Thể chất; Khoa học), mức tốt từ 55,88% - gần 70%; mức đạt từ 27,73% - 31,08%; mức cần cố gắng về Ngôn ngữ và Tính toán đều chiếm tỷ lệ 1,8%, các năng lực còn lại dưới 1%.
Những số liệu thống kê trên cho thấy, hạn chế nhất của học sinh lớp 1 nói chung, nhất là học sinh DTTS, đó là những năng lực: Giải quyết vấn đề và sáng tạo, Tự chủ và tự học, Tính toán, Ngôn ngữ, Giao tiếp và hợp tác. Rõ ràng khi còn hạn chế về vốn ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt, tất yếu sẽ nẩy sinh từ học sinh các vấn đề vừa là hệ quả vừa mang tính tương thích, trong cả tư duy lẫn hành động như: hiểu biết ít <-> thiếu tự tin <-> không say mê học <-> ít sáng tạo <-> giải quyết vấn đề chưa đạt yêu cầu. Đối với môn Toán tiểu học, phương pháp dạy học mới của giáo viên là dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học. Vì vậy, trau dồi và tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh DTTS càng hết sức quan trọng, bởi đó là phương tiện để khai thông, khai triển mọi vấn đề từ phía học sinh: hăng hái phát biểu, chịu khó suy nghĩ, tìm tòi để thắc mắc, đặt câu hỏi và thể hiện chủ động, sáng tạo…
Cô giáo Nguyễn Thị Ái Duyên, Khối trưởng Khối 1, Trường Tiểu học Hòa Ninh 2, huyện Di Linh cho biết, nhiều ưu điểm của CT GDPT 2018 như dạy học theo hướng mở; tích hợp sâu, phân hóa học sinh rõ nét; linh hoạt về đối tượng; phát triển và phát huy được nhiều kỹ năng cho học sinh… “Tuy nhiên, khó khăn nhất là phát triển giao tiếp - hợp tác ở các môn học, nhất là hoạt động “Quan sát tranh và dùng từ ngữ trong khung để nói theo tranh” ở môn tiếng Việt còn hạn chế, do một số học sinh còn rụt rè, nhút nhát khi trình bày trước đông người. Một số em hiểu được nội dung tranh song khả năng diễn đạt chưa tốt”, cô Ái Duyên nhận xét. Cũng là khó khăn khách quan, theo cô giáo Thanh Mai dạy học điểm trường vùng DTTS ở Đạ Nhar, “cơ sở vật chất chưa thực sự đầy đủ để thực hiện một số bài học”. Đây là nhu cầu thực tế. Bộ GDĐT đã ban hành các thông tư quy định mua sắm thiết bị dạy học lớp 1, lớp 2 và lớp 6 dựa trên nguyên tắc đủ yêu cầu thiết bị dạy học tối thiểu để triển khai chương trình.
Đồng bộ các yếu tố, tính hệ thống của chương trình
Dù còn những khó khăn nhưng kết quả năm học 2020 - 2021 CT GDPT 2018 của Lâm Đồng là sự nỗ lực của chính quyền các cấp, ngành GDĐT và học sinh vùng DTTS, đã bước qua “vạn sự khởi đầu nan” và rất đáng trân trọng. Sẽ có những bài học hay đúc kết để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022 CT GDPT 2018 ở 3 lớp: 1, 2 và 6. Một trong những giải pháp là đổi mới phương pháp dạy học các môn học từ lớp 2 đến lớp 5 tiếp cận CT GDPT 2018. Riêng học sinh lớp 5 cần đặc biệt quan tâm chuẩn bị tâm thế để các em bước vào lớp 6 học theo CT GDPT mới. Ngoài ưu tiên những gì tốt nhất từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất cho những lớp đầu cấp học “mở màn” sự đổi mới, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần kịp thời đổi mới. CT GDPT 2018 có nhiều đổi mới so với chương trình GDPT 2006, do đó phải chọn những người hiểu về chương trình mới để có nhận định đúng đắn, tránh dùng tư duy và hiểu biết cũ để làm cản trở những đổi mới, sáng tạo tích cực của giáo viên, cơ sở giáo dục.
Việc quan tâm đầu tư cho lớp 1 trong năm vừa qua, như phát biểu của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ tại hội nghị trực tuyến với 63 Sở GDĐT tỉnh, thành rằng, chúng ta đã và đang được hưởng lợi. Học sinh có nền móng vững vàng từ lớp đầu cấp sẽ thuận lợi và học tập hiệu quả ở các lớp, các cấp học tiếp theo. Năm học 2021 - 2022 cận kề, tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị cùng cả nước áp dụng CT GDPT mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức từ Sở GDĐT Lâm Đồng về trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non vào lớp 1. Đối với lớp 2, trên cơ sở hoàn thành chương trình lớp 1 sẽ có gần 26.000 học sinh; đối với lớp 6, có 21.205 học sinh đã được UBND tỉnh phê duyệt tuyển sinh. Sách giáo khoa đã và đang tiếp tục cung ứng về người sử dụng. Giữa tháng 5/2021, Sở GDĐT đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6…
Phần “mở màn” CT GDPT mới đã kết thúc. Ý nghĩa của kết quả dạy và học ở lớp 1 năm học 2020 - 2021 trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Lâm Đồng không chỉ khẳng định chủ trương lớn về đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, mà còn là cơ sở của niềm tin, nền tảng của tri thức để tiếp tục “sự nghiệp trồng người” theo yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, đối với học sinh là con em đồng bào các DTTS, càng rất nhiều ý nghĩa từ chính CT GDPT mới đưa đến.
MINH ĐẠO