Gần 250.000 nhan đề về tài liệu, sách, luận án bằng giấy, CD-ROM tại chỗ và hàng trăm triệu tài liệu từ cơ sở dữ liệu của hàng chục ngàn nhà xuất bản trên thế giới...
Gần 250.000 nhan đề về tài liệu, sách, luận án bằng giấy, CD-ROM tại chỗ và hàng trăm triệu tài liệu từ cơ sở dữ liệu của hàng chục ngàn nhà xuất bản trên thế giới hội tụ trong không gian vật chất đồ sộ và không gian mạng có độ mở cực lớn, Thư viện Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) là địa chỉ đặc biệt về nguồn kiến thức và văn hóa đọc.
|
Thư viện Trường ĐHĐL là điểm nhấn về kiến trúc |
Tài nguyên với trữ lượng lớn
Tôi rất đồng ý với nhận xét của TS. Mai Minh Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL rằng, nếu nhìn từ flycam về Trường ĐHĐL thì Thư viện là điểm nhấn ấn tượng nhất về quy mô và mĩ thuật kiến trúc. Đó là công trình gồm 5 khu nhà 3 tầng với diện tích 8.400 m2 sàn, trong đó có 4.600 m2 sử dụng, do nhà trường đầu tư xây dựng gần 20 tỷ đồng và khánh thành năm 2005. Cá nhân tôi vinh dự được cố PGS - TS. khoa học Nguyễn Hữu Đức lúc đó là Hiệu trưởng Trường ĐHĐL mời chứng kiến lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công trong niềm vui và tâm huyết của ông quyết tâm phát triển Trường ĐHĐL trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo lớn của khu vực. Cùng kế thừa những di sản về nguồn tư liệu từ Thư viện Viện ĐHĐL có từ năm 1958 và đặc biệt sự tâm huyết, năng động của cá nhân Hiệu trưởng TS. Lê Minh Chiến và lãnh đạo nhà trường mấy năm gần đây, Thư viện ĐHĐL ngày càng thu hút bạn đọc đang học tại trường, tỉnh Lâm Đồng và giới nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trở lại Thư viện ĐHĐL lần này, ThS Phan Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách chia sẻ rằng nhà trường đang thực hiện chủ trương của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Có lẽ vì vậy nên tôi chỉ bắt gặp ít bạn đọc là cán bộ, giảng viên và sinh viên đến mượn tài liệu mang về. Nhưng qua ông Đông giới thiệu, hơn một lần tôi hiểu, Thư viện đang có hàng ngàn lượt bạn đọc “bước vào” thông qua “thế giới phẳng”. Ông Phan Ngọc Đông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngoài cung cấp thông tin cho 189 lượt bạn đọc tham khảo, Thư viện còn phục vụ 2.398 lượt tài liệu, 1.229 lượt đọc sách trực tuyến điện tử; 46.043 lượt đọc và tải tài liệu trên các cơ sở dữ liệu của Thư viện. Dịch vụ và tiện ích của Thư viện rất đa dạng: quản lý mượn trả tài liệu bằng mã vạch; tra cứu mục lục trực tuyến; dịch vụ tham khảo; truy cập internet và tài liệu điện tử; in ấn; chép CD... Hiện tại Thư viện có 88.288 nhan đề tài liệu điện tử; 56.099 nhan đề sách, luận văn, luận án in với tổng cộng 167.821 bản; 1.812 nhan đề với 3.445 bản CD-ROM; 105.706 nhan đề bài trích… Trong số tài nguyên này có 6.869 bản sách ngoại văn bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Hàn, Nhật… Tôi thực sự mê thích khi vào phòng lưu được mục sở thị kho tài liệu rất quý, có khá nhiều đầu sách xuất bản từ 60 - 70 năm trước của các tác giả là giáo sư giỏi ở các lĩnh vực khoa học và những giáo trình, luận văn tốt nghiệp của sinh viên Viện ĐHĐL.
Thư viện Trường ĐHĐL mở rộng không gian bằng việc nhà trường bỏ kinh phí mua thông tin phục vụ bạn đọc thông qua 8 cơ sở dữ liệu như Proquest, MathScinet, Springer, IEEE, Thomson Innovation, Sachweb, Tạp chí chuyên ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN)…; kết nối chia sẻ dữ liệu với 14 cơ sở khác như Cơ sở dữ liệu Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, Cơ sở dữ liệu Công bố KH&CN Việt Nam, Cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), AGORA, HINARI, OARE, GOALI, ACM Digital Library, Internet Archive, Bookboon,… Ông Phan Ngọc Đông cũng cho biết, từ tháng 6, Thư viện đang dùng thử dữ liệu một số cơ sở khác để khảo sát, đánh giá. Đơn cử, Cơ sở dữ liệu luận văn, luận án World Dissertations Library với hơn 1,5 triệu luận văn, luận án bao phủ hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu từ hơn 2.000 tổ chức giáo dục của hơn 150 quốc gia, khu vực và tập trung 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Cơ sở dữ liệu J-Gate là cổng kết nối toàn diện để truy cập thông tin nghiên cứu từ hơn 73 triệu bài báo trên 59.000 tạp chí với quyền truy cập vào 19 triệu bài báo toàn văn gồm nhiều lĩnh vực của 12.764 nhà xuất bản trên thế giới…
|
Ngày hội văn hóa sách của Thư viện luôn hấp dẫn và thu hút bạn đọc |
Hướng tới Trung tâm nghiên cứu Tây Nguyên
Độ giàu về tài nguyên của Thư viện Trường ĐHĐL cần được nhấn mạnh ở chỗ, đó là tư liệu vùng Tây Nguyên. Tiếp quản nguồn từ Viện ĐHĐL để lại, mặt khác, Trường ĐHĐL tích cực mỗi năm dành trung bình khoảng 800 triệu đồng để mua, trong đó có tài liệu về Tây Nguyên. Ngoài ra, uy tín của nhà trường đã tạo mối lương duyên để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tặng một lượng tài liệu khá lớn. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Thư viện Trường ĐHĐL tiếp nhận 706 bản sách trong nước, trong đó 348 bản sách khoa học kỹ thuật trị giá gần 1 tỷ đồng từ Việt kiều - TS. Võ Tá Hân… Đặc biệt trong tháng 5, Thư viện tiếp nhận sản phẩm Thư viện điện tử Tây Nguyên từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với dung lượng 150 GB dữ liệu, gồm các đề tài nghiên cứu và Atlas Tây Nguyên.... Cùng đó, tiếp nhận từ Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng 20 bản của tài liệu “Đà Lạt - Bản đồ sáng lập thành phố… Đà Lạt - Et la carte créa la ville… Đà Lạt - And the map created the city…”. Cuốn sách phác ra mối liên hệ giữa vấn đề bảo tồn di sản và triển vọng quy hoạch đô thị bằng cách cung cấp cho người đọc cái nhìn về lịch sử thành phố qua bản đồ, tranh ảnh, tài liệu viết tay từ nhiều trung tâm tư liệu và lưu trữ học Việt Nam, Pháp, Thụy Sĩ và Nhật Bản... Đây là những tiền đề quan trọng để Trường ĐHĐL hướng đến xây dựng Trung tâm nghiên cứu Tây Nguyên với tài nguyên lớn về nhiều lĩnh vực: phát triển kinh tế, an sinh - xã hội, biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, văn hóa và dân tộc học, an ninh - quốc phòng…
Tôi cũng may mắn chứng kiến khá nhiều sự kiện diễn ra tại Thư viện Trường ĐHĐL như ngày hội đọc sách, triển lãm sách, hội thi đọc sách hay, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc… Sự kiện nào cũng thu hút hàng ngàn lượt bạn đọc, sôi động và có chiều sâu văn hóa. “Bạn đọc không chỉ đọc tài liệu mà cùng xây dựng môi trường văn hóa đọc. Muốn thế, cần phải đa dạng hóa hoạt động, làm mới không gian đọc để bạn đọc trẻ thụ hưởng và đắm mình sống trong không gian văn hóa”, TS. Mai Minh Nhật nói. Với tầm quan trọng của một cơ sở đại học, giá trị kiến thức chứa đựng trong sách báo… là tài nguyên không chỉ phục vụ trên 100 TS, 15 PGS, trên 200 ThS và trên 10 ngàn sinh viên, học viên của trường mà còn là bạn đọc bên ngoài. Xác định được vị trí đó, lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư Thư viện. “Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, đó là thách thức, cần tích cực phát triển thư viện mở cả hệ thống bằng tư liệu số hóa. Tiếp tục đổi mới phương thức để thu hút bạn đọc, đa dạng hóa nguồn tư liệu, ưu tiên học liệu số, làm mới không gian tài nguyên, tăng cường liên thông, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại hóa theo các quy chuẩn…” - TS. Nhật chia sẻ.
MINH ĐẠO