Những bài học từ kỳ thi tốt nghiệp vừa qua

05:07, 12/07/2021

Vấn đề chất lượng của một kỳ thi được đo bằng kết quả bài làm tốt của thí sinh trong sự nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn...

Vấn đề chất lượng của một kỳ thi được đo bằng kết quả bài làm tốt của thí sinh trong sự nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn. Thấy gì từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Lâm Đồng đợt 1 vừa kết thúc, từ đó đúc kết những bài học quý cho đợt thi thứ 2 và cho các kỳ thi, kiểm tra khác. 
 
Sau buổi thi tại Đà Lạt
Sau buổi thi tại Đà Lạt
 
Chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ
 
Tại những buổi làm việc về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tỉnh Lâm Đồng của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phạm S; Trưởng đoàn Kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến, điểm chung nhất các vị lãnh đạo đặt ra là tỉnh Lâm Đồng vốn lâu nay tổ chức thi tốt nghiệp THPT đảm bảo nghiêm túc, nhưng không chủ quan mà cần phát huy cao hơn. Đó là sự ghi nhận, đồng thời là sự động viên, chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp trong một kỳ thi quốc gia. Tinh thần “mục tiêu kép” thể hiện qua một kỳ thi này cũng được người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và lãnh đạo Bộ GDĐT nêu lên bằng những văn bản định hướng tổ chức thực hiện. Theo sát Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chúng tôi nêu mấy bài học đúc kết từ tổ chức thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng. Trước hết là sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GDĐT và các sở, ngành liên quan như Tài chính, Công an, Thanh tra, Y tế, Giao thông, Điện lực, Đoàn Thanh niên… Nhiều đại diện lãnh đạo các lĩnh vực được cơ cấu vào Ban chỉ đạo kỳ thi nhằm nắm bắt tình hình và phối hợp xử lý đúng, kịp thời. Sự phối hợp đó được triển khai theo ngành dọc về tất cả 12 huyện, thành phố cùng UBND cấp huyện. Những ngày chuẩn bị thi, Chủ tịch và cả 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra các điểm thi trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình, động viên và chỉ đạo kịp thời những vấn đề liên quan. Bài học thứ 2 là triển khai về nghiệp vụ đối với đội ngũ làm công tác phục vụ thi. Hơn 2.000 cán bộ, giáo viên của ngành GDĐT được trang bị nghiệp vụ như sao, in đề thi, các khâu coi thi. Ngoài các chuyên đề từ Bộ GDĐT, đó còn là các văn bản điều hành của Ban chỉ đạo, Sở GDĐT với gần 20 văn bản liên quan các công tác phục vụ thi. 
 
Nghiêm túc và quyết liệt phòng, chống dịch 
 
Cùng với đội ngũ, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thi được rà soát, quan tâm từ sớm. Toàn tỉnh thiết lập 39 điểm thi chính thức với 627 phòng thi và 12 điểm thi dự phòng ở 12 huyện, thành phố. Mỗi điểm thi chính thức có từ 1 - 2 phòng thi dự phòng. Nói về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi nhắc lại việc kiểm tra chiều ngày 6/7 của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp, thời điểm thí sinh đến điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến Quy chế thi. Chứng kiến tại Điểm thi số 1 thí sinh túm tụm rất đông tại các hành lang, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã phản ứng mạnh mẽ và bày tỏ sự không hài lòng. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo điểm thi khắc phục ngay và đề nghị Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải rà soát lại để chỉ đạo tất cả điểm thi toàn tỉnh. “Vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 đặt lên hàng đầu, sau đó mới nói đến chuyện thi cử. Sức khỏe mỗi người là số 1” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhấn mạnh. 
 
Công bằng về tinh thần phòng, chống dịch trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 được Lâm Đồng triển khai cơ bản và kịp thời. Đó là phối hợp chặt chẽ giữa Sở GDĐT và Sở Y tế. Mấy cuộc họp giữa lãnh đạo 2 Sở này để thống nhất các phương án xử lý tình huống. Các điểm in sao đề thi, coi thi được phun dung dịch khử khuẩn; điều động lực lượng y tế phối hợp phục vụ (bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế, những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế ở mỗi điểm thi); huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất. Đội ngũ làm công tác thi đều được xét nghiệm; dự phòng lực lượng ngành GDĐT để thay thế, và thực tế đã thay thế kịp thời nhiều cán bộ, nhân viên. Các biện pháp như dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang đều thực hiện ở tất cả các điểm thi. Vấn đề giãn cách giữa thí sinh và hạn chế tụ tập của phụ huynh trước cổng điểm thi sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời khắc phục cơ bản. Kỳ thi tại Lâm Đồng đã khẩn trương tổ chức truy vết để lại 129 thí sinh trong diện F1, F2 hoặc trong vùng phong tỏa lùi lại vào thi đợt thứ 2. Dĩ nhiên, vấn đề này ở một số địa phương liên quan còn khá bị động, sát giờ làm thủ tục dự thi mới thông báo đến gia đình và thí sinh nên tạo tâm lý lo lắng không đáng có. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT, tuy cận ngày thi nhưng Lâm Đồng đã kịp thời tạo điều kiện giải quyết cho 36 thí sinh đăng ký thi tại Hội đồng thi Thành phố Hồ Chí Minh được dự thi tại Hội đồng thi Lâm Đồng. Các thí sinh được bố trí thuận lợi tại các điểm thi của 9 huyện, thành phố. Ở một tình huống khác, trong quá trình diễn ra kỳ thi, thông tin từ ngành Y tế cho biết, địa bàn huyện Đơn Dương có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, công tác phòng, chống dịch tại các điểm thi ở đây càng được siết chặt và tuyên truyền kịp thời tạo tâm lý để thí sinh yên tâm dự thi.
 
Kỳ thi an toàn và nghiêm túc 
 
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tỉnh Lâm Đồng có số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 14.312 (tăng 785 thí sinh so với năm 2020). Trong đó, dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp là 11.877 em, chiếm tỷ lệ 82,99%; dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 1.973 em, tỷ lệ 13,79% và dự thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 462 em, tỷ lệ 3,22%. Thí sinh các trường THPT tỉnh Lâm Đồng đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào 242 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, với tổng số 48.611 nguyện vọng. Kết thúc buổi thi cuối cùng đợt 1 với môn Ngoại ngữ, tại Hội đồng thi Lâm Đồng có số lượng đăng ký dự thi là 13.588 thí sinh; trong đó, có 137 thí sinh miễn thi hoặc thi đợt 2. Tỷ lệ thí sinh có mặt dự thi đạt 99,87%; trung bình toàn đợt trên 99,8%, cao hơn mặt bằng chung cả nước (96,13%). Kỳ thi tại Lâm Đồng có một thí sinh bị lập biên bản đình chỉ thi vào buổi thi cuối vì vi phạm Quy chế thi (mang điện thoại vào phòng thi). 
 
Kỳ thi ngoài việc Sở GDĐT lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị liên quan đến kỳ thi trên địa bàn tỉnh, Bộ GDĐT còn điều động 115 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Đà Lạt đảm nhận Đoàn kiểm tra thi tại tỉnh Lâm Đồng. Đánh giá từ Đoàn kiểm tra tại Lâm Đồng đợt 1 cho thấy: “Nhìn chung, đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến hết sức phức tạp”. Một số hạn chế cũng được Đoàn kiểm tra khuyến nghị đã được khắc phục kịp thời như các trường hợp camera giám sát phòng lưu giữ bài thi, đề thi có thời gian lệch so với thời gian thực tế, việc bố trí cán bộ giám sát chưa đảm bảo số lượng tại một số điểm thi…
 
MINH ĐẠO