Nỗ lực đưa văn hóa về cơ sở

05:07, 23/07/2021

Văn hóa, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân...

Văn hóa, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân. Để tạo sự đa dạng, phong phú trong sân chơi giải trí cho người dân nông thôn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh đã nỗ lực đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thụ hưởng văn hóa tinh thần giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
 
Văn hóa, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân
Văn hóa, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân
 
Về xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) vào mỗi dịp lễ, tết, sẽ được nghe những làn điệu dân ca của Câu lạc bộ (CLB) Tiếng hát quê hương được tấu lên hòa vào những nhạc cụ dân tộc như nhị, sáo, trống, phách… rộn rã cả một vùng. Những người yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc trong xã thường chọn ngày cuối tuần để cùng nhau tụ họp giao lưu văn nghệ, tập luyện sau những ngày lao động mệt nhọc. Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ nhiệm CLB cho biết: Hát chèo, các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây. Tình yêu với nghệ thuật truyền thống kéo nhiều cặp vợ chồng cùng đến với CLB, trong đó có vợ chồng ông Đức. Hai ông bà trở thành hạt nhân tích cực tham gia, biểu diễn nghệ thuật chèo làm cho tuổi già của ông bà thêm niềm vui. 32 thành viên CLB đều làm nông nghiệp, những lời ca, điệu múa như tiếp thêm nguồn năng lượng giúp họ vơi đi những nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống, góp sức xây dựng văn hóa ở thôn, làng, xây dựng gia đình ấm no, bền vững.
 
Không riêng xã Mê Linh, Lâm Đồng là vùng đất hội tụ nhiều miền văn hóa, các di sản văn hóa truyền thống được những người đi khai hoang mở đất mang theo đến vùng đất mới. Những năm qua, hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp nơi, các CLB văn nghệ ra đời góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Ngành VH-TT-DL tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích, động viên phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; qua đó, gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của từng vùng miền. Nhiều mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được duy trì hoạt động có hiệu quả như: các CLB Văn hóa cồng chiêng (Lạc Dương), CLB Hát chèo (Mỹ Đức - Đạ Tẻh, Hòa Ninh, Đinh Lạc - Di Linh), CLB Hát then (Phi Tô - Lâm Hà, An Nhơn - Đạ Tẻh), CLB Cải lương (Phú Sơn - Lâm Hà)... Hiện nay, toàn tỉnh có 967 CLB văn nghệ, TDTT thu hút đông đảo người dân tham gia hoạt động. Hàng năm tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, liên hoan, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh, trình diễn hàng ngàn tiết mục được dàn dựng công phu góp phần bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống.
 
Cùng với việc đẩy mạnh phong trào nghệ thuật quần chúng, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thành tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và đưa các sản phẩm văn hóa phục vụ nông dân, đặc biệt chú trọng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện gần 250 chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ Nhân dân; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng thực hiện hàng ngàn đợt chiếu phim lưu động phục vụ gần 500 ngàn lượt người xem; củng cố hệ thống thư viện cấp huyện, tủ sách, phòng đọc tại các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, buôn. Luân chuyển gần 1 triệu lượt sách, báo, cho thư viện cơ sở, phục vụ gần 400 ngàn lượt độc giả tại cơ sở… Qua đó, đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 
 
Triển khai thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Sở sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, sẽ tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, đánh giá thực trạng hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; từ đó đưa ra giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho người dân được tham gia, hưởng thụ, sáng tạo các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện từng địa phương, cơ sở; xây dựng mô hình CLB văn hóa văn nghệ ở các thôn, buôn, khu dân cư xa trung tâm, vùng đồng bào DTTS. Duy trì tổ chức các ngày hội, liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật từ tỉnh đến cơ sở, ưu tiên tổ chức tại các thôn, buôn, khu dân cư xa trung tâm xã - thị trấn... 
 
QUỲNH UYỂN