Ngày 30/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng ký chuẩn y kết quả tốt nghiệp THCS năm học 2020 - 2021 tỉnh Lâm Đồng là 19.876 học sinh hệ phổ thông...
Ngày 30/6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng ký chuẩn y kết quả tốt nghiệp THCS năm học 2020 - 2021 tỉnh Lâm Đồng là 19.876 học sinh hệ phổ thông. Cùng với đó, các lớp THCS và THPT đã kết thúc một năm học chạy đua với đại dịch COVID-19 nhiều thành công.
|
Môn thi cuối năm học đối với học sinh lớp 11 Trường THPT LangBian (Lạc Dương) |
Trường chuẩn quốc gia đạt 82%
Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 59 đơn vị trường THPT và THCS&THPT, 158 trường THCS và TH&THCS. Một trong những thành quả khái quát nhất là số trường đạt chuẩn quốc gia đã đạt tỷ lệ 82%; góp phần quan trọng để về đích xây dựng huyện và xã “nông thôn mới”. Đạt chuẩn quốc gia trường học nó đã bao hàm nhiều thành tích được quy định bằng những tiêu chuẩn, tiêu chí. Cùng với cơ sở vật chất trường học, đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV) bậc trung học ngày càng trưởng thành. Toàn cấp THPT có 2.592 người, giảm 56 người so với năm học 2019 - 2020; cấp THCS có 4.968 người, giảm 119 người so với năm học trước. Tỷ lệ CBQL, GV ở trường THPT đạt chuẩn 100%, trong đó CBQL trên chuẩn 62,5% và GV trên chuẩn 5,2%. Năm học 2020-2021, tổng số học sinh (HS) Lâm Đồng cấp THCS là 87.562, tăng 523 HS; cấp THPT là 41.206, tăng 2.727 HS so với năm học 2019-2020. Tỷ lệ HS bỏ học cấp THCS là 0,65% và cấp THPT là 0,5%.
Về chất lượng phổ cập giáo dục THCS, kết quả năm 2020, toàn tỉnh có số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 năm học 2020 - 2021 đạt 99,42%, với 24.720 HS. Số HS lớp 9 năm học 2019-2020 tốt nghiệp THCS đạt 99,6%, với 79.555 HS. Đối tượng trong độ tuổi 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 95,09% với 75.947 HS. Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 100% (142 phường, xã, thị trấn) đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD THCS. Trong đó, mức độ 1 đạt 100%; mức độ 2 đạt 97,2% và mức độ 3 đạt 52,8%. Cả 12/12 huyện, thành phố đều đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD THCS (mức độ 1 đạt 100%; mức độ 2 đạt 91,1% (trừ huyện Đam Rông) và thành phố Đà Lạt đã đạt mức độ 3).
Những con số trên là hệ quả quá trình phấn đấu không ngừng của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là ngành GDĐT. Bởi khó khăn của đặc điểm giáo dục dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa luôn là những trở lực. Hệ quả thấy rõ nhất là việc duy trì sĩ số gặp nhiều khó khăn, do điều kiện kinh tế và nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học của con em mình. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số địa bàn thiếu hoặc chưa đúng chuẩn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đơn cử như, do tình hình năm học diễn ra dịch COVID-19, toàn ngành phải áp dụng dạy - học trực tuyến, một phần hạn chế trong tương tác, giám sát của mô hình này; phần khác, điều kiện Internet, thiết bị của gia đình vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Nhất là những HS yếu hoặc ý thức học tập kém sẽ khó khăn trong công tác quản lý. Số liệu từ Sở GDĐT cho biết, năm học 2020-2021, số lượng bài giảng trên hệ thống trực tuyến đã triển khai gần 400 bài, tỷ lệ HS tham gia đạt 30% toàn tỉnh và 75% đối với HS khối 12.
Cũng phải nhìn nhận yếu tố chủ quan. Đó là còn một bộ phận GV ở một số đơn vị trường học chưa chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới dạy học. Thể hiện rõ nhất là việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục; hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS. Trách nhiệm có phần thuộc năng lực quản lý của hiệu trưởng thiếu linh động và mạnh dạn đổi mới. Mặt khác, tại một số địa phương, việc phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý, chưa phát huy được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Việc thực hiện quy chế dân chủ trường học ở một số địa phương chưa thực sự thành công.
Tỷ lệ phân luồng sau tốt nghiệp chưa cao
Có thể nói, kết quả không mong đợi là phân luồng HS sau tốt nghiệp bậc học. Năm học 2020-2021, nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS sau THPT ở Lâm Đồng có 12.963 HS được các trung tâm tổ chức dạy nghề như nấu ăn, nhiếp ảnh, điện dân dụng, làm vườn, tin học văn phòng. Tỷ lệ HS sau tốt nghiệp THCS vào học giáo dục chuyên nghiệp và trung cấp nghề trong khoảng từ 6,1% - 10%. Kết quả này cho thấy, những yếu tố cần tiếp tục phát huy là tính phù hợp giữa quy mô giáo dục với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; mạng lưới trường học, các cơ sở dạy nghề trong địa bàn tỉnh cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân.
Đồng thời, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong năm học mới 2021-2022 và những năm học tiếp. Đó bao gồm, công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa hiệu quả; ngành nghề đào tạo tại hệ thống trường nghề chưa đa dạng và chưa phù hợp với nhu cầu của người học; hệ thống thông tin thị trường lao động còn hạn chế, thông tin chưa kịp thời; các doanh nghiệp khi tuyển lao động phổ thông, lao động giản đơn đều đòi hỏi phải tốt nghiệp THPT. Phần lớn đội ngũ GV làm công tác hướng nghiệp còn kiêm nhiệm nên công tác tư vấn chưa mang lại hiệu quả. Việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS hiện nay như sau: tỷ lệ vào học luồng 1 (tiếp tục lên THPT) vẫn còn cao (83,41%); tỷ lệ vào học luồng 2 và luồng 3 (học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề) tuy tăng lên so với năm học 2019 - 2020 nhưng vẫn còn thấp.
Công tác thực hiện phân luồng được UBND tỉnh quan tâm, kịp thời chỉ đạo. Vấn đề là tiếp tục triển khai rõ nét hơn phân luồng phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của từng ngành, từng địa phương và toàn tỉnh. Đánh giá nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa đạt mục tiêu như mong muốn, ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho rằng: Cơ bản của những hạn chế, yếu kém, trước hết do nhận thức của người dân và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đầy đủ; công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa hiệu quả. Mặt khác, hệ thống thông tin về thị trường lao động nghèo nàn, chưa rộng rãi. “Suốt một thời gian dài, việc quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và của từng ngành còn chưa hợp lý; chưa có kế hoạch phân luồng phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực. Việc đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm”, ông Lợi nhận xét. Đó còn là, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu dạy và học hiện nay; năng lực đội ngũ GV nghề chưa cao.
MINH ĐẠO