Ý thức tự giác là liều thuốc hữu hiệu trong phòng, chống Covid-19

11:07, 29/07/2021

(LĐ online) - Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nặng nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn đại dịch, cần đề cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân, nhằm góp sức cùng cả hệ thống chính trị sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

(LĐ online) - Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nặng nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn đại dịch, cần đề cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân, nhằm góp sức cùng cả hệ thống chính trị sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
 
Kể từ khi có ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, Việt Nam đã khẩn trương, tích cực phòng chống dịch bệnh. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cơ bản kiểm soát được được tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội . Việt Nam là điểm sáng được nhiều nước trên thế giới ca ngợi và học tập. Nhưng vì  nhiều nguyên nhân, một phần do tính chất nguy hiểm, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, triệu chứng không rõ ràng,… của biến thể SARS-CoV-2 ở Ấn Độ (biến thể DELTA), một phần còn do sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, ý thức chấp hành kém,… nên đã để dịch bệnh bùng phát trở lại mạnh hơn, phức tạp hơn và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Lâm Đồng 3 lần trước đây không để xẩy ra dịch covid-19 trên địa bàn, nhưng đợt dịch lần này (đến ngày 21-7) đã có nhiều người dương tính với covid-19 (24 ca), hiện hữu nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất lớn, nếu chủ quan, lơ là, ý thức chấp hành phòng chống dịch không tốt.
 
Một thực tế rất đáng chê trách, thậm chí lên án là trong khi cả hệ thống chính trị và người dân đang tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thì vẫn có một bộ phận còn thiếu ý thức trách nhiệm; phản ứng bất hợp tác, không chấp hành và cố tình vi phạm những quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch; che dấu hoặc khai báo quanh co, để lây lan bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, một số người còn lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, đưa lên mạng những nội dung, hình ảnh sai sự thật về những người bệnh mắc Covid-19, gây hoang mang dư luận và tạo rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể bùng phát bất kỳ ở đâu, thời gian nào. Hiện có 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CP/TTg. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt; các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng vẫn đang “căng mình” chống dịch và yêu cầu tất cả mọi người dân đồng lòng và tự giác thực hiện. 
 
Việc có vắc-xin phòng COVID-19 là biện pháp rất quan trọng, bền vững và lâu dài trong việc kiểm soát đại dịch, nhưng đó không phải là “thẩn dược”, là “vạn năng”; bởi theo các chuyên gia dịch tễ, không có vắc-xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% và vắc-xin ngừa COVID-19 cũng vậy; hơn nữa hiện nay nguồn vắc-xin ngừa COVID-19 còn hạn chế. Vậy nên, trong lúc chờ có đủ vắc-xin phòng dịch, đảm bảo miễn dịch cộng đồng và thích ứng với trạng thái bình thường mới, thì một trong những “vắc-xin” phòng chống dịch hiệu quả nhất mà ai ai cũng có sẵn và có thể tự trang bị cho mình mà không tốn kém, đó là “vắc-xin ý thức tự giác”. Có như vậy mới nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, khống chế không để dịch lây lan ra cộng đồng. 
 
Theo đánh giá từ các cơ quan chuyên môn, cho đến nay các ca nhiễm Covid-19 chủ yếu có nguồn lây từ những thành viên trong gia đình (chiếm đến 80%), những người không đeo khẩu trang, không khử khuẩn khi tiếp xúc gần với người dương tính Covid-19. Do đó, bất cứ ai khi ra giao lưu với cộng đồng hoặc ra nước ngoài trở về, đều phải hình dung được nguy cơ lây nhiệm Covid-19 và chính những người rất gần gũi trong gia đình có thể sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Vì vậy, mỗi cá nhân luôn ý thức phòng, chống dịch Covid-19 trước hết là để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, sau đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp và xa hơn là cho cộng đồng; đừng để vì mình mà bao nhiêu người khác phải liên lụy, vì mình mà cả một khu vực, một tỉnh, thậm chí cả nước phải bị cách ly, nguy hiểm hơn là bị lây bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đừng ai suy nghĩ “chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo”, sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời. Do đó, chuẩn mực ứng xử hiện nay của mọi người chính là thực hiện theo các khuyến cáo về an toàn của Bộ Y tế, các chỉ đạo của cơ quan chức năng về công tác phòng chống dịch. 
 
Theo đó, điều quan trọng nhất là phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện các giải pháp phòng. chống dịch, trước hết là thông điệp “5K” (Khẩu trang- Khử khuẩn - Không tụ tập - Khoảng cách - Khai báo y tế). Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, mỗi người cần chú ý thực hiện thêm một số biện pháp khác như hạn chế bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng; khi phải ra đường cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc người và đồ vật; về đến nhà phải thay quần áo ngâm với xà phòng, vệ sinh giày dép; thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm; ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín; tập luyện thể dục, thể thao một cách phù hợp và thường xuyên; vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI khi có triệu chứng; cập nhật thông tin chính thống, tránh hoang mang; không đổ xô đi mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm;…
 
Bên cạnh việc đề cao ý thức tự giác của mọi người, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường xử phạt nghiêm minh theo pháp luật những người vi phạm, gây dịch bệnh cho cộng đồng. Theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, ngày 28-9-2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đối với người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm không khai báo y tế, có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Nếu hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng có thể bị truy tố hình sự theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự ngày 27-11-2015 tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Có như thế mới hạn chế những người vi phạm.
 
Việc phòng, chống dịch Covid-19 thành công hay không tùy thuộc rất lớn vào ý thức của người dân, đó là liều thuốc hữu hiệu nhất. Do vậy, mọi người đều phải nâng cao ý thức tự giác tuân thủ các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19 để cùng chung tay với Chính phủ, hệ thống chính trị sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2021 đề ra. 
 
  NHÂN LINH