(LĐ online) - Sáng 20/8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết một năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(LĐ online) - Sáng 20/8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết một năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì phía cầu tỉnh Lâm Đồng |
Đầu cầu Hà Nội, tham gia có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, các thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương,… Tại các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan của địa phương; tỉnh Lâm Đồng do ông Đặng Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết những kết quả cơ bản đã đạt được gồm: Ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học; tổ chức việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; kết quả triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thống đối với lớp 1.
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu như: Thiết kế, tổ chức thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa; tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn; một bộ phận trong xã hội chưa thực sự tin tưởng vào quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều ý kiến từ đại diện các bộ, ngành, cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng như một số địa phương đã thảo luận, ngoài đúc kết thực tiễn một số địa phương nêu khó khăn về thực hiện giáo dục trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo kịp thời ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, trong đó giao quyền tự chủ cho các trường tiểu học. Mặt khác, tổ chức các hội nghị, hội thảo; triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục…
Từ năm học 2019 - 2020 đến tháng 5/2021, cấp tiểu học của Lâm Đồng có tổng kinh phí xây dựng kiên cố hóa trường lớp 550,4 tỉ đồng; trong đó, xây mới 231 phòng học, 69 khối phòng hành chính quản trị, 28 phòng học đa năng, 55 phòng âm nhạc, 46 phòng Mĩ thuật, 41 phòng tiếng Anh, 165 nhà vệ sinh, cải tạo đầu tư 67 sân chơi bãi tập, trang bị mới 6.064 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi. Tỷ lệ phòng học bình quân đạt 0,9 phòng/lớp. Riêng lớp 1 đảm bảo 1 phòng/1 lớp bố trí dạy học 2 buổi/ngày (9 - 10 buổi/tuần). Đến tháng 5/2021, Lâm Đồng có 213/243 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,6%, có 2 huyện trường chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 100%; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS, trường THPT cho phù hợp lứa tuổi của học sinh tiểu học trong giai đoạn hiện nay.
MINH ĐẠO