Để không ai bị ''bỏ rơi'' trong cuộc chiến chống Covid-19

04:08, 21/08/2021

(LĐ online) - Mỗi ngày, trên fanpage Báo Lâm Đồng và nhiều trang facebook liên quan đến Lâm Đồng, có rất nhiều thắc mắc của người dân ở các cùng giãn cách xã hội gởi về...

Đồng chi Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Bảo Lộc
Đồng chÍ Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Bảo Lộc
 
(LĐ online) - Mỗi ngày, trên fanpage Báo Lâm Đồng và nhiều trang facebook liên quan đến Lâm Đồng, có rất nhiều thắc mắc của người dân ở các vùng giãn cách xã hội gửi về. Nhiều nhất vẫn là những câu hỏi về việc làm sao để được trở về địa phương trong thời điểm này, trong số đó có cả những lời “trách móc” về việc Lâm Đồng áp dụng các quy định khắt khe đối với người dân từ vùng dịch trở về địa phương. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc phòng thủ thật chặt để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xâm nhập vào địa phương thì Lâm Đồng vẫn triển khai nhiều giải pháp quan tâm đến người dân, đặc biệt là người dân đang ở các vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi động viên cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt bảo vệ
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi động viên cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt bảo vệ "vùng xanh" tại Đam Rông
 
Còn nhớ những ngày đầu tháng 8, khi chùm ca bệnh tại Công ty Sợi Đà Lạt mỗi ngày tăng cao, nhiều người dân Đà Lạt cảm thấy lo lắng và băn khoăn liệu rằng có giãn cách xã hội toàn TP Đà Lạt. Sau nhiều lần họp bàn, từ họp Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến họp với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Đà Lạt, quyết định cuối cùng được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đưa ra là chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP Đà Lạt. Lý do: Giãn cách xã hội sẽ dễ cho công tác quản lý nhà nước nhưng sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Nên khi dịch bệnh còn kiểm soát được thì biện pháp này chưa tính tới. An toàn chống dịch được đặt lên hàng đầu nhưng ổn định đời sống dân sinh cũng không kém phần quan trọng, làm sao phải hạn chế đến thấp nhất mức độ ảnh hưởng tiêu cực.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tại khu cách ly tập trung thuộc Trung tâm huấn luyện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lâm
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra tại khu cách ly tập trung thuộc Trung tâm huấn luyện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lâm
 
Hàng loạt biện pháp khoanh vùng, dập dịch đã được từ cấp tỉnh đến cấp huyện triển khai quyết liệt từ khi xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên tại huyện Đạ Tẻh cho đến ngày hôm nay, 21/8, Lâm Đồng đã có 220 ca Covid-19, mà nhiều nhất vẫn liên quan đến Công ty Sợi Đà Lạt. Khoanh vùng, khống chế các ổ dịch không cho lây lan ra cộng đồng; siết chặt quản lý đội ngũ lái xe, phụ xe nhưng không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; quan tâm, chăm lo cho người cách ly cũng như lực lượng làm nhiệm vụ tại các cơ sở cách ly, các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn toàn tỉnh; thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng bệnh viện dã chiến và các khu cách ly trên địa bàn toàn tỉnh; đề xuất Chính phủ cho mua 800.000 liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho dân, bên cạnh hơn 117.000 liều vắc xin đã được Bộ Y tế phân bổ qua 7 đợt; hỗ trợ các tỉnh, thành bạn các loại nông sản, nhu yếu phẩm, tiền mặt; tăng cường lực lượng y bác sỹ, tình nguyện viên cho những tỉnh tâm dịch đang hoành hành… Đó là tất cả những gì mà Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua, không chỉ để khống chế dịch bệnh trong tỉnh mà còn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết chống dịch đối với các tỉnh, thành có diễn biến dịch bệnh phức tạp.
 
Đặc biệt, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng, tính đến cuối ngày 20/8, toàn tỉnh có 68.633 đối tượng gồm người có công gặp khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động tự do, người bán vé số lưu động đã được chi hỗ trợ theo Quyết định 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, với số tiền gần 103 tỷ đồng. 
 
Lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh đèo Chuối (huyện Đạ Huoai). Ảnh: Văn Thương
Lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh đèo Chuối (huyện Đạ Huoai). Ảnh: Văn Thương
 
Đối với các trường hợp khó khăn đang sinh sống, học tập tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát danh sách để kịp thời có phương án hỗ trợ những trường hợp này thông qua gia đình tại địa phương.
 
Riêng đối với việc đón công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Lâm Đồng hoàn toàn không “thờ ơ” trước việc này. Bằng chứng là đã có những cuộc họp Ban Chỉ đạo kéo dài hàng tiếng đồng hồ để bàn bạc cách thức đưa đón làm sao để đảm bảo an toàn cho công dân khi trở về. Bằng chứng là đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên tục, xuyên suốt, thống nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng về vấn đề này tùy vào tình hình thực tế diễn biến dịch của các địa phương đang giãn cách xã hội và chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Bằng chứng là tất cả các huyện, thành trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án để đón công dân trở về. Bằng chứng là đã có hơn 18.500 công dân trở về Lâm Đồng từ ngày 27/4 đến nay và đã được tiếp nhận, bố trí cách ly y tế, theo dõi sức khỏe phù hợp, đúng quy định. Và bằng chứng là ngày 20/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản về việc đón các thai phụ có hộ khẩu tại tỉnh đang ở các tỉnh, thành giãn cách xã hội có nguyện vọng trở về địa phương…
 
Dẫu biết rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn gian khó, dẫu biết rằng còn rất nhiều trường hợp muốn được trở về địa phương tránh dịch giữa lúc đại dịch đang hoành hành nhiều nơi. Thế nhưng, an toàn tính mạng cho dân trong cuộc chiến này là điều được đặt lên trên hết, trước hết và an toàn lúc này chính là “ai ở đâu ở đấy” như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra và đồng viên các lực đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch số 1 đóng tại đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai)
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kiểm tra và động viên các lực đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch số 1 đóng tại đèo Chuối (thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai)
 
Hình ảnh lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra chống dịch tại các “điểm nóng” như thoi đưa trong những ngày qua; hình ảnh những người đang ngày đêm “trực chiến” tại các chốt kiểm soát; hình ảnh những mẹ, những chị sẵn sàng gác lại việc riêng để hỗ trợ nấu ăn tại các khu cách ly; hình ảnh những cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ và các nhà hảo tâm ngày ngày vận động, thu gom nông sản gửi về vùng dịch; hình ảnh những người dân chân chất sẵn sàng cho mượn nhà, mượn địa điểm để làm chốt kiểm soát, làm nơi ăn ngủ cho lực lượng làm nhiệm vụ và cả những hình ảnh kiên cường chống dịch của lực lượng tuyến đầu xen lẫn những đau thương, mất mát ở vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã cho thấy rằng trong cuộc chiến này sẽ không một ai bị “bỏ rơi”. 
 
Nghiêm khắc nhưng không cực đoan trong phòng chống dịch Covid-19 là những gì mà Lâm Đồng đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, đảm bảo an toàn phòng chống dịch với mong muốn nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới.
 
Các đoàn thể và địa phương trên địa bàn TP Bảo Lộc vận động, quyên góp các chuyến xe yêu thương tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh chống dịch
Các đoàn thể và địa phương trên địa bàn TP Bảo Lộc vận động, quyên góp các chuyến xe yêu thương tiếp sức cho TP Hồ Chí Minh chống dịch
 
PV